Tại cuộc hội thảo tổ chức tại trường Đại học Oxford tuần qua, các nhà khoa học khẳng định nguyên nhân của tình trạng xấu đi nhanh chóng các đại dương chính là do các hoạt động của con người. 

Сác chuyên gia đã đưa ra cảnh báo: Cuộc sống dưới đáy đại dương đang trên đường bị huỷ diệt. Tình trạng biển và đại dương đang bị xấu đi với tốc độ khủng khiếp.

Theo những nghiên cứu mới nhất, việc đánh bắt cá quá mức và những hoạt động sản xuất của con người ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu và đe doạ sự tồn tại của các loài sinh vật. Việc thải ra những khí nhà kính làm phát triển nhanh chóng các loài rong tảo có hại, gây tuyệt chủng một số loài cá và làm thay đổi cơ bản dây chuyền thực phẩm dưới đại dương. Những tổn thất do con người mang lại cho cuộc sống dưới biển làm các đại dương trên thế giới biến đổi đến mức một thế hệ đủ để nhận ra.

Con người đang “giết chết” các đại dương
Môi trường biển đang bị hủy hoại một cách nặng nề.

Tiến sĩ Alex Rodger, người đứng đầu Chương trình quốc tế bảo vệ các đại dương (IPSO) nói: “Kết quả nghiên cứu sẽ làm mọi người kinh hoàng. Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng, tác dụng huỷ hoại mà con người mang đến cho các đại dương xấu hơn bất cứ những gì mà chúng ta thường hình dung trước đây”.

Những tác giả của bản báo cáo của Liên Hợp Quốc về hiện trạng của biển và đại dương cho hay: “Tốc độ thay đổi các điều kiện sống của sinh vật trong môi trường nước đang vượt xa những dự báo trước đây, khiến cho các đại dương mất dần khả năng duy trì sự tồn tại của con người. Do vậy các nhà hải dương học cần thiết phải đưa ra những giải pháp khẩn cấp để giảm việc thải khí cacbonic và giảm sự đánh cá quá mức cũng như tạo ra các vùng thủy sinh và giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường biển”.

Theo tiến sĩ Rodger, tình trạng biển hiện nay là cực kỳ nghiêm trọng, đòi hỏi con người phải hành động ngay về nhiều mặt để kịp thời ngăn chặn sự tăng nhiệt độ các đại dương, sự thiếu ôxi và tăng độ axit trong nước biển, kết hợp lại sẽ gây ra sự diệt chủng hàng loạt các sinh vật thuỷ sinh, giống như sự tuyệt diệt loài khủng long từng xảy ra trên mặt đất.

Chúng ta đã đoán trước được những hậu quả ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, tồi tệ hơn nữa đến con cái chúng ta và nhiều thế hệ tương lai”, tiến sĩ Rodger nói.

Dan Laffoli, tác giả bản báo cáo, cố vấn hàng đầu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiện nhiên (IUCN) phát biểu: “Những mối đe dọa đối với đại dương là rất lớn. Nhưng khác với các thế hệ trước, chúng ta biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Cần phải bảo vệ nhịp đập của hành tinh ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay”.

Nếu không, con cháu chúng ta sẽ phải trả món nợ là chúng ta đã thủ tiêu những cánh rừng, đã làm trống rỗng các đại dương và sông ngòi, đã làm những thuỷ sinh vật không kịp tái sinh một cách tự nhiên. Và bao trùm cả hành tinh là hiệu ứng nhà kính đang hoành hành trong khí quyển, Trái đất đang nóng lên từng ngày.

 
Theo VietNamNet (Ytro.ru)