Tại ĐBSCL, nuôi cá có lãi lớn nên đang bùng phát cơn sốt nuôi cá. Đất đai lên giá hàng tỷ đồng/ha để làm ao nuôi. Thế nhưng, bên cạnh cái lãi về kinh tế, 1,6 triệu tấn chất thải từ nuôi cá đang biến ĐBSCL thành nơi hoang hóa!
Mấy năm nay nghề nuôi cá nước ngọt, nhất là cá tra đã phát triển mạnh chưa từng có, đi trước cả... qui hoạch!. Điều đáng quan tâm cùng với tốc độ phát triển nuôi trồng thủy sản, ĐBSCL đang phải đối mặt môi trường, hàng năm chịu hơn 1 triệu chất thải từ thức ăn cho cá ...
Cơn sốt nuôi cá bùng phát mạnh!
Các năm gần đây, nghề nuôi thủy sản ĐBSCL tăng tốc mạnh mẽ.
Từ năm 2000 - 2006, chỉ trong 7 năm, diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng gần đôi, từ 445.300 ha lên đến khoảng 700.000 ha.
Còn tổng sản lượng thu hoạch được cũng tăng theo một cách chóng mặt. Nếu như năm 2000, tổng sản lượng tôm, cá thu hoạch do nuôi trồng chỉ có 365.141 tấn, thì 7 năm sau, năm 2006, đã vọt lên 1,9 triệu tấn, tăng gấp gần... 10 lần!
Chưa hết... ngành thủy sản dự báo, năm nay, cá tra có giá hơn 17.000 đ/kg sẽ còn kích thích người dân đổ xô vào nuôi loại cá này. Cơn sốt nuôi cá tra sẽ kéo theo sốt đất. Nhiều người dân ven sông Tiền, sông Hậu, dốc sức, dốc tiền của ra mua đất đào ao nuôi cá tra. Giá đất ven sông Tiền, sông Hậu cũng "sốt" theo.
Trước đây, đất nơi này không ai thèm ngó, vậy mà bây giờ giá đất tăng vọt 1,3 -1,5 tỷ đồng/ha, nhưng rất khó kiếm.
Trong khi mục tiêu qui hoạch đến năm 2010, sản lượng cá tra ở ĐBSCL sẽ là 863.750 tấn thì năm nay, mới vào năm 2007, các nhà chuyên môn ước, đoán, sản lượng cá sẽ đạt đến... 1 triệu tấn!
Chịu không nỗi: 1,6 triệu tấn chất thải từ nuôi cá
Nuôi cá ở ĐBSCL (Ảnh: Nhân dân) |
ĐBSCL đang phải đối mặt với vấn đề bảo vệ môi trường vì lượng thức ăn thủy sản ngày thải ra nhiều hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước.
Theo tính toán của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, đối với nuôi cá nước ngọt thông thường phải tốn 1,5-2 kg thức ăn để được 1 kg cá. Thế nhưng, trong số thức ăn đưa vào nuôi cá, chỉ có 17% là được hấp thụ trong chăn nuôi. Phần còn lại, khá lớn (83%) được thải ra môi trường dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa, thối rữa xả vào môi trường.
Như vậy, khi ĐBSCL có 1 triệu tấn cá tra thì cần đến trên dưới 2 triệu tấn thức ăn, sẽ có đến hơn 1,6 triệu tấn chất thải ra môi trường, ô nhiễm sẽ càng nặng hơn.
Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ cho biết, các loại chất thải chứa nitơ và phốt pho ở hàm lượng cao gây nên hiện tượng phú dưỡng môi trường nước phát sinh tảo độc trong môi trường nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt nguồn chất thải này lan truyền rất nhanh đối với hệ thống nuôi cá bè trên sông, nuôi cá bao ví trong các đầm trũng ngập nước... cùng với lượng phù sa lan truyền có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh. Đó chính là nguyên nhân làm cá tra, cá ba sa chết hàng loạt ở một số bè cá trên sông, dịch bệnh trên các ao hồ và cá đồng một số tỉnh lưu vực sông Tiền, sông Hậu trong khu vực ĐBSCL trong thời gian vừa qua.
Ô nhiễm lây sang cả khu vực
Rải thức ăn nuôi cá (Ảnh: VOH) |
Theo số liệu quan trắc môi trường nước trên sông rạch khu vực ĐBSCL cho thấy các chỉ số BOD, COD, SS, Coliforoms... đều vượt nhiều lần so tiêu chuẩn cho phép.
Môi trường nước ở vùng ngọt hóa có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, các vi sinh trong nước Coliforms, độ đục, amoniac trong nước... ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước, đặc biệt là nước dùng cho sinh hoạt.
Người dân phải đối mặt với các bệnh đường tiêu hóa, bệnh sốt xuất huyết, sốt rét do muỗi lây truyền, bệnh giun sán ký sinh trùng, bệnh suy dinh dưỡng trẻ em và cả ngộ độc thực phẩm hay hóa chất... trong quá trình sản xuất canh tác ở các vùng đất ngập nước nuôi trồng thủy sản.
Nuôi cá: Phải quy hoạch lại, không thì hỏng!
Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, nuôi thủy sản ở ĐBSCL đang "tự phát nặng" là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề bức thiết hiện nay là phải qui hoạch và tổ chức lại sản xuất.
Nếu không kiên quyết qui hoạch tổng thể và cụ thể trong nuôi trồng thủy sản, không nghiêm chỉnh chấp hành qui hoạch thì trong 5-10 năm nữa, hoặc mau hơn, nhiều vùng đất của ĐBSCL sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Phạm Đình Đôn (Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ), nói: " Cần tập trung xử lý triệt để các mô hình nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, nuôi cá bè trên sông, rạch... Tăng cường giám sát chất lượng môi trường nước và dự báo diễn biến môi trường cũng như dịch bệnh có thể phát sinh để có các giải pháp kịp thời khi có sự cố xảy ra."
Phân viện Qui hoạch thủy sản phía Nam - đơn vị qui hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 - cũng khẳng định là tác động của nuôi, chế biến cá tra, ba sa đến môi trường là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu được đầu tư đầy đủ, đúng mức và kiểm soát chặt chẽ, thì hạn chế tối đa sự ô nhiễm và đưa lại phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.
(Theo Doanh nghiệp)
Nguồn tin từ: www.vnn.vn/khoahoc/moitruong/