Bến Tre là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL và cả nước có tiềm năng rất lớn về kinh tế thủy sản. Cùng với sự phát triển vượt bậc trên lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, thì sự hình thành các dịch vụ hậu cần nghề cá là một nhu cầu tất yếu.
Nghề đánh bắt thủy sản ra đời từ rất lâu trên vùng biển Bến Tre, tập trung nhiều nhất ở làng cá Bình Thắng (Bình Đại) và An Thủy (Ba Tri), với một đội ngũ ngư dân và tàu thuyền khá hùng hậu. Thế nhưng, trong suốt nhiều thập niên, Bến Tre chưa có một cảng cá nào được đầu tư xây dựng, cho nên sản lượng đánh bắt của ngư dân trong tỉnh phải chuyển về các cảng cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Bình Thuận.
Mãi đến năm 1999, cảng cá đầu tiên của tỉnh Bến Tre mới được xây dựng tại xã An Thủy (Ba Tri), với tổng kinh phí đầu tư trên 11 tỉ đồng. Ngư dân Bến Tre có cảng cập bến tiêu thụ sản phẩm, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá khác ra đời như sửa chữa tàu thuyền, sản xuất nguyên liệu nước đá, cung ứng nhiên liệu xăng dầu, chế biến cá khô, phát triển hàng quán, tạo công ăn việc làm không chỉ cho người dân ở địa phương, mà còn thu hút khá đông các nhà đầu tư, người lao động từ khắp nơi về đây kinh doanh và tìm cơ hội làm ăn.
Trong những năm gần đây, nghề đánh bắt thủy sản ở Bến Tre phát triển mạnh. Số tàu khai thác tăng lên hàng trăm chiếc mỗi năm, trong khi chỉ một cảng cá Ba Tri không thể đáp ứng do quy mô nhỏ, khả năng tiếp nhận lượng tàu cập cảng còn hạn chế. Trước tình hình trên, năm 2003, được sự hỗ trợ của Bộ Thủy sản qua chương trình biển Đông hải đảo, cảng cá thứ 2 được khởi công xây dựng tại huyện Bình Đại trên diện tích 17.500m2, với tổng kinh phí đầu tư 19,8 tỉ đồng. Đây là cảng cá có quy mô lớn, với cầu tàu 45 CV, cầu dẫn 600 CV, khả năng tiếp nhận hàng trăm tàu cá mỗi ngày. Các hạng mục khác như khu tiếp nhận phân loại, kho lạnh bảo quản sản phẩm, nhà máy chế biến, khu sản xuất nước đá, trạm xăng dầu, cơ sở cơ khí sửa chữa tàu thuyền và ngư cụ, cùng các dịch vụ ăn uống, giải trí được đầu tư đồng bộ. Cảng cá Bình Đại có lợi thế gần cửa biển, không chỉ cho tàu đánh bắt của tỉnh cập bến, mà còn là bến trung chuyển tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận nguyên, nhiên liệu của tàu thuyền các tỉnh khác, nhất là các tỉnh miền Trung như Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, . . . Khi cảng cá này đi vào hoạt động chính thức sẽ tạo nên một thương cảng nghề cá sầm uất trong tương lai của tỉnh Bến Tre.
Hiện nay, số tàu đánh bắt của Bến Tre đã tăng lên 3.161 chiếc, với tổng công suất gần 348.000 CV. Trong đó, có 926 tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 350 - 400 CV/tàu. Với số tàu phát triển mạnh như hiện nay, sản lượng đánh bắt của Bến Tre có khả năng đạt trên 75.000 tấn/năm. Để tạo điều kiện cho ngư dân cập cảng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, ngoài 2 cảng cá Ba Tri và Bình Đại, Bến Tre cũng đang xúc tiến triển khai xây dựng cảng cá thứ 3 tại xã An Nhơn (Thạnh Phú), với tổng kinh phí đầu tư 27,2 tỉ đồng. Công trình này đang trong giai đoạn đấu thầu và dự kiến sẽ triển khai thi công vào tháng 8-2007.
Cùng với việc xây dựng 3 cảng cá tại 3 huyện vùng biển, một tín hiệu lạc quan cho hoạt động hậu cần nghề cá ở Bến Tre là được Bộ Thủy sản đầu tư xây dựng Khu neo đậu trú bão cho tàu thuyền đánh bắt tại huyện Bình Đại, với tổng kinh phí hơn 34 tỉ đồng. Đây là việc làm mang tính cấp thiết vì từ trước đến nay, các chủ tàu trong tỉnh phải lệ thuộc tuyệt đối vào các khu neo đậu tránh bão của các tỉnh bạn, vừa xa tầm hoạt động khai thác, vừa không đảm bảo an toàn do phải di chuyển xa trong điều kiện cấp bách. Công trình này hiện đang trong giai đoạn thẩm định thiết kế và dự kiến triển khai xây dựng trong năm nay. Trước mắt, để đối phó với tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, gây bất ổn cho ngư dân ra khơi, Bến Tre đã có sáng kiến thành lập Đội tàu xung kích tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đội tàu này gồm 10 tổ xung kích, với 44 chiếc được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn và máy bộ đàm thông tin liên lạc, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra trên biển, nhất là tình trạng bão tố khẩn cấp.
Một điểm nổi bật nữa góp phần nâng cao năng lực hậu cần nghề cá ở Bến Tre là hình thành các khu chế biến sản phẩm sau khai thác. Đó là các cơ sở chế biến cá khô, sản xuất bột cá, phân cá; các điểm phân phối cá tươi cho mạng lưới chợ đầu mối và các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh. Hiện nay, tại huyện Bình Đại và Ba Tri đã có 2 nhà máy chế biến bột cá hoạt động, do một doanh nghiệp từ tỉnh Bạc Liêu đến đầu tư, tận dụng nguồn cá tạp rất lớn của ngư dân mà trước đây không có nơi tiêu thụ. Tỉnh hiện có 5 Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh đang hoạt động với tổng công suất trên 33.000 tấn /năm, góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ nguồn thủy hải sản do ngư dân khai thác.
Trong thời gian tới, còn rất nhiều dự án xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản từ nguồn nguyên liệu cá tạp do các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư tại huyện Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành. Trong đó, Công ty C.P (Thái Lan) sẽ đầu tư 15 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại cụm công nghiệp An Hiệp. Năm 2005 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã cấp phép đầu tư cho British Virgin Island và một nhà đầu tư của Mỹ xây dựng nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất 6.000 tấn/năm và 2 nhà máy chế biến thủy sản bằng vốn đầu tư trong nước với công suất 14.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và trong nước đặt quan hệ hợp tác xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại khu công nghiệp Giao Long. Vừa qua, đoàn chuyên gia của Hàn Quốc cũng đã đến khảo sát vùng biển Thới Thuận (Bình Đại) để lập dự án đầu tư xây dựng 1 cảng biển và 1 nhà máy sửa chữa tàu thuyền. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 10 triệu USD. Đây là những động thái tích cực, cùng với tiềm lực của tỉnh tạo nên diện mạo mới cho sự phát triển hậu cần nghề cá ở Bến Tre trong tương lai.
Theo Bến Tre, Việt Linh