Trong khi những con tàu của ngư nhân tự đầu tư vốn làm ăn phát đạt, thì những dự án được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng trong chương trình đánh cá xa bờ (ĐCXB) đều… phá sản. Không chỉ các ngân hàng khốn đốn không thu được nợ, mà ngay cả ngư dân cũng lao đao..

Ngân hàng “đổ” tiền xuống biển!

Theo báo cáo tổng hợp của Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận thì tổng số nợ không có khả năng thu hồi là hơn 6 tỷ đồng trong số hơn 11 tỷ đồng đầu tư vào dự án, chưa kể tiền lãi là hơn 4 tỷ đồng. Tất cả 12 dự án mà Ngân hàng này đầu tư đều không hiệu quả. Toàn bộ các dự án này được định giá bán “xác tàu” từ những năm 2003 - 2004 để gỡ gạc vốn, nhưng cho đến nay, vốn thu lại chiếm rất ít. Có những dự án, như Hàm Tân 14, vay 1,1 tỷ đồng, nhưng cho đến khi đấu giá bán xác tàu cũng chỉ thu về được chưa đầy 50% vốn, chứ chưa nói gì lãi.

Với Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận còn “thảm” hơn nhiều. Tổng số tiền mà Ngân hàng này “rót” cho chương trình ĐCXB khỏang 22 tỷ đồng. Nhưng tính cho đến thời điểm mà Ngân hàng này báo cáo (tháng 12/2006, tức là sau 10 năm) thì tổng dư nợ vẫn là 14,6 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hoàng Đức - Phó GĐ Ngân hàng đầu tư Chi nhánh Bình Thuận cho biết: Để thu hồi nợ, ngân hàng chỉ còn cách đấu giá bán xác tàu. Nhưng thủ tục đấu giá ngân hàng không thể tự làm, mà phải qua Trung tâm đấu giá, thủ tục nhiêu khê.

Trong khi tàu không hoạt động để lâu xuống cấp rất nhanh. Con tàu của ông Lê Văn Mao (ở La Gi) khi đấu giá lần đầu là 535 triệu, nhưng 8 tháng sau trị giá của nó chỉ là 300 triệu; tàu BTh- 99469 của ông Trần Ngọc Thanh trị giá hàng tỷ đồng, đợt định giá mới nhất (ngày 2/4/2007) chỉ còn 460 triệu đồng, mà vẫn chưa thấy ai mua tàu. Nhưng còn hơn những dự án “không còn gì để thu”. Chẳng hạn như dự án của Xí nghiệp Khai thác thuỷ sản: Dự án này được ngân hàng “đổ” vào 5,3 tỷ đồng. Nhưng cho tới nay, xí nghiệp đã phá sản, nên ngân hàng chỉ thu được vỏn vẹn… 48 triệu đồng.

Ngư dân- con nợ giữa biển khơi!

Không chỉ ngân hàng khổ vì không thu được cả vốn lẫn lãi, mà ngay cả ngư dân dự án ĐCXB cũng lao đao vì khoản nợ quá lớn này. Anh Nguyễn Minh Hùng ở Khu phố 2, P. Đức Long, TP Phan Thiết cho biết: Năm 1999 Nhà nước vận động mình đóng tàu xa bờ và được đầu tư 1 tỷ đồng. Khi ấy nhà mình ghe nhỏ nhưng đánh bắt rút lưới mành cá cơm mấy mùa liền rất khá. “Bây giờ trong 6 đứa con của mình thì đã có 3 đứa nghỉ học. Chúng nghỉ học để đi biển. Nhưng giờ tàu cũng đã bị ngân hàng “siết nợ”. Vậy là vừa thất nghiệp mà cũng thất học luôn”- Anh Hùng cho biết thêm.

Sau khi bán đấu giá “xác tàu” mà vẫn không đủ vốn trả cho ngân hàng thì có thể xem xét từng trường hợp để phát mãi các tài sản khác. Trường hợp không có tài sản khác, hoặc có nhưng không đủ trả nợ thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền (có ý kiến của UBND tỉnh hoặc Bộ chủ quản) xem xét xử lí.

(Trích Quyết định 89/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lí tồn đọng nợ chương trình ĐCXB).

Hằng ngày những đứa con của anh phải giúp mẹ đi bán cá khô ngoài chợ. Bản thân anh từng có 30 năm cầm lái trên biển, từ một ông chủ bạc tỷ, giờ phải bỏ sức lao động đi “bạn” kiếm sống qua ngày. Anh Hùng giãi bày: Hàng ngày nhìn con tàu phơi dưới nắng biển, đã 8 tháng rồi, từ hơn 500 triệu nay xuống 300 triệu vẫn không có ai mua. Nhìn con tàu nứt nẻ, chìm lên chìm xuống ngoài cảng mà lòng xót xa. Giá như ngày ấy mình đừng nhận vốn của chương trình, cứ tàu bé mà đánh bắt thì giờ này đâu có mất cả chì lẫn chài như thế này.

Tàu của anh Minh Hùng đang phơi nắng ở cảng Phan Thiết. Ảnh: Quốc Hanh

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảy - Phó Trưởng phòng Kinh tế tập thể và Tư nhân của Sở Thuỷ sản Bình Thuận, mặc dù có tàu rồi, nhưng do đánh bắt xa bờ nên ngư dân phải vay thêm của các chủ nậu vựa theo kiểu mua “cá non” với lãi suất rất cao. Có khi lênh đênh nửa tháng ngoài khơi xa, nhưng về chỉ đủ trả lãi, nợ lại phần vốn, thì lấy đâu tiền trả ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất. Trong khi đó, các dịch vụ hậu cần của chương trình ĐCXB không được triển khai hiệu quả. Nếu như có tàu thu mua, tàu bán nhiên liệu ngoài khơi sẽ giảm chi phí cho ngư dân.

Đằng này, con tàu Cà Ty 07 của tỉnh mua hàng chục tỷ đồng để làm tàu hậu cần, vẫn nằm lì mấy năm nay ở cảng Phan Thiết, bán giảm giá hàng chục lần vẫn chẳng ai mua. Ở góc độ kinh doanh tiền tệ, bà Phạm Thị Hoàng Đức cho biết: Toàn bộ những dự án ĐCXB là những dự án được Nhà nước “chọn” sẵn. Ngân hàng chỉ việc “rót” tiền. Trong khi những dự án này được bảo trợ vay 75% vốn, vốn tự có chỉ 25%. Thường những dự án mà vốn tự có quá ít như vậy thì thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Quế Hà (Theo VietLinh)