Ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đang vươn ra và hội nhập vào xu thế chung toàn cầu trong nghề khai thác thủy sản và thương mại thủy sản thế giới.

Thể hiện rõ nhất của xu hướng này là nhiều nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam đang tiếp cận với những tiêu chí của Hội đồng Quản lý biển Quốc tế (MSC) và xin cấp chứng nhận MSC. Mới đây, khai thác nghêu ở Bến Tre và cá cơm ở Phú Quốc đã làm thủ tục xin cấp chứng nhận của MSC.

Đây được xem là tín hiệu vui thể hiện sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu của ngành thủy sản Việt Nam vào ngành thương mại thuỷ sản thế giới và xu hướng phát triển bền vững chung của thuỷ sản thế giới.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung đều “lạm phát khai thác” (lạm thác) nghề cá làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 2004 thế giới có 52% nguồn lợi thủy sản bị khai thác tối đa, 25% bị khai thác quá mức, trong đó có 16% lạm thác và 7% bị cạn kiệt. Việc làm này ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm và phát triển kinh tế, suy giảm phúc lợi xã hội ở nhiều nước, tổn hại đến hệ sinh thái biển.

Để phát triển bền vững, thời gian qua nhiều nước trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã cắt giảm công suất khai thác. Các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng đang chuyển đổi chính sách và công nghệ khai thác nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hủy diệt, hạn chế khai thác ven bờ, mở rộng khai thác xa bờ và kiểm soát lạm thác. Việc xin chứng nhận MSC là một lựa chọn rất hữu hiệu nhằm bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường trước sự tàn phá của con người.

MSC là thành viên được thế giới công nhận về phương diện quản lý, cải thiện nguồn lợi thủy sản và là một tổ chức chuyên môn, phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động độc lập. Thực tế cho thấy rằng, những nghề cá nào được chấp nhận MSC, thì đó là nghề cá khai thác đảm bảo duy trì lâu dài nguồn lợi thuỷ sản, trên cơ sở đồng quản lý (CFC). Chuẩn MSC còn có khả năng giúp mở rộng thị trường của các loại sản phẩm sản xuất từ nguồn lợi được quản lý.

Trên thế giới hiện có 22 nghề khai thác cá được cấp chứng nhận MSC. Tại Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này, VASEP đã phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP) xúc tiến việc phát triển hệ thống chứng nhận MSC tại Việt Nam ở các địa phương trong cả nước.

Theo đó, hai nghề khai thác đang tiến hành thủ tục xin cấp chứng nhận MSC là nghề khai thác nghêu ở Bến Tre và nghề khai thác cá cơm ở Phú Quốc. Ngoài ra còn có các nghề cá khác của nhiều địa phương, tỉnh thành cũng xin cấp MSC như: khai thác ốc hương và ghẹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tôm sú ở Cà Mau, sò điệp ở Bình Thuận, tôm hùm ở khu vực miền Trung, nghêu ở Tiền Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh...
Riêng nghề khai thác nghêu tại Bến Tre, theo các chuyên gia của MSC, thì Việt Nam đủ sức xây dựng và phát triển để trở thành một thương hiệu mạnh mà không một đối thủ nào trong nước có thể sánh kịp. Hiện ngành thủy sản Bến Tre và nghề nuôi nghêu ở đây đang tiến hành các đánh giá sơ bộ về nguồn lợi và phương thức quản lý của các hợp tác xã nuôi nghêu. Cũng nhờ những bước đi đó mà nghề nghêu và sự quản lý con nghêu ở Bến Tre đã tốt hơn và đang trở thành mô hình học hỏi cho các đơn vị khác.

Cũng theo nhiều chuyên gia, nếu quá trình cấp MSC cho nghề nuôi nghêu ở Bến Tre thành công thì sản phẩm của nghề khai thác này sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường thế giới nhiều hơn; mặt khác, mang lại những lợi ích thiết thực về mặt xã hội, mở ra phương thức quản lý nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, hữu hiệu cho nhiều nghề cá khác.

Để có được chứng nhận MSC, các nghề cá phải trải qua một quá trình nghiên cứu và quản lý rất chặt chẽ về nguồn lợi nơi mình khai thác, theo những tiêu chí khoa học nghiêm ngặt của Tổ chức MSC. Các tiêu chí đó là: một, nghề khai thác đó phải bảo đảm không dẫn đến tình trạng lạm thác hoặc làm suy giảm nguồn lợi thủy sản; nếu có suy giảm phải bảo đảm điều kiện tái khôi phục nguồn lợi. Hai, nghề khai thác phải đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và tính đa dạng sinh học của nguồn lợi. Ba, có hệ thống quản lý nghề khai thác hữu hiệu, tuân thủ luật lệ, công ước và các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia cũng như các đòi hỏi về phát triển bền vững nguồn lợi trong khai thác.

Như vậy, để có được MSC, trước tiên phải tiến hành thành lập các hợp tác xã về khai thác và quản lý theo hình thức đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ (CFC). Các hợp tác xã này sẽ lập kế hoạch quản lý chung cũng như giới hạn khu vực khai thác và tiến hành các nghiên cứu để đưa ra những số liệu và nhận xét cơ bản bước đầu về các quần thể thủy sản này.

Tiếp theo sẽ đánh giá nghề mình khai thác theo các tiêu chuẩn của MSC. Dựa trên cơ sở đó, MSC sẽ tiến hành đánh giá thông qua khảo sát trực tiếp và báo cáo sơ bộ từ địa phương. Một nhóm chuyên gia của MSC sẽ tiến hành đánh giá đầy đủ về khả năng nghề khai thác, chấm điểm và công bố kết quả lên website của MSC (www.msc. org), nếu không có phản biện hoặc phản hồi, sản phẩm từ nghề khai thác này sẽ được gắn nhãn xanh của MSC.
Chứng nhận sẽ có hiệu lực trong 5 năm, sau đó các chuyên gia sẽ đánh giá định kỳ và tái cấp nếu vẫn còn hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn của MSC.

Thái Xuân, vneconomy.vn