Năm 2012, Liên Hợp Quốc kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của Chương trình Nghị sự 21 và Công ước khung về Biến đổi khí hậu tại Rio de Janeiro (Rio+20). Đây cũng là năm đánh dấu Ngày môi trường thế giới (WED) tròn 40 tuổi. Trong 4 thập niên qua, WED đã trở thành một sự kiện môi trường thường niên được tổ chức rộng rãi trên khắp toàn cầu, thu hút đông đảo mọi người tham gia.
Các hoạt động hưởng ứng WED diễn ra quanh năm nhưng lên đến cao trào vào ngày 05 tháng 6. Ngay khi nhân loại vừa đón chào năm mới - một năm với nhiều mốc thời gian quan trọng, UNEP đã công bố chủ đề Ngày môi trường thế giới năm 2012 là "Green Economy: Does it include you?" (Kinh tế xanh: sự lựa chọn của bạn?). Nước Cộng hòa Liên bang Brazil đã được lựa chọn là chủ nhà của WED năm nay. Đây cũng là nơi diễn ra Lễ kỷ niệm WED 20 năm về trước. Với hơn 200 triệu dân, Brazil là quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia. Quốc gia này đang phải đối mặt với nạn phá rừng ở lưu vực Amazon, ô nhiễm không khí đô thị, suy thoái các vùng đất ngập nước và không đảm bảo an ninh lương thực.
Kinh tế xanh được UNEP định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Một nền kinh tế xanh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải ít phát thải cacbon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, dịch vụ cấp nước sạch nâng cao, tiết kiệm năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp bền vững. Nguồn lực đầu tư cho kinh tế xanh được thu hút, hỗ trợ bởi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như sự phát triển các chính sách và hạ tầng thị trường quốc tế.
Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải cacbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh tế xanh không thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc... đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho chính sách kinh tế xanh, coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với phát triển bền vững của quốc gia, vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm. Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, kinh tế xanh tuy còn khá mới mẻ song bước đầu đã có sự chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn, một trong các tiêu chí của nền kinh tế xanh.
Những điều kể trên có ý nghĩa gì với bạn? Kinh tế xanh sẽ mang lại công bằng xã hội, việc làm và môi trường sống trong lành hơn. Và do đó, bạn sẽ hưởng lợi từ nó, hay nói cách khác bạn là một phần của kinh tế xanh. Đây chính là vế thứ hai của chủ đề WED "Kinh tế xanh: sự lựa chọn của bạn?". WED sẽ giúp nâng cao nhận thức về kinh tế xanh và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xanh ở cả quy mô nhà nước lẫn tư nhân.
Nguyễn Tiến Hoàng