Gần đây, các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các huyện, xã tiến hành giao quyền khai thác thủy sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân nâng cao ý thức trong việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm phá...
Hiệu quả từ mô hình Thừa Thiên Huế có đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn rộng với 22 ngàn ha, là điều kiện rất thuận lợi cho hàng ngàn ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản. Năm 2009, Dự án Đồng quản lý tài nguyên ven biển thuộc Trường đại học Nông Lâm Huế phối hợp với UBND huyện Phú Lộc và UBND xã Vinh Giang hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thí điểm cấp quyền khai thác thủy sản cho Chi hội Nghề cá Giang Xuân, Vinh Giang (Phú Lộc). Theo đó, Chi hội Nghề cá Giang Xuân được cấp quyền khai thác thuỷ sản với diện tích 967 ha đầm phá, thuộc địa phận xã Vinh Giang. Các hội viên được phân từng vùng cụ thể để cùng nhau quản lý mặt nước và khai thác thủy sản được tốt hơn. Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm của các hội viên trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng cao, nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, các loại cá nâu, dìa lâu nay vắng bóng đã xuất hiện trở lại. Bà con ngư dân tạo ranh giới của diện tích được cấp quyền khai thác thủy sản Anh Nguyễn Khoai, Chi hội Trưởng Chi hội Nghề cá Giang Xuân, vui mừng: “Từ khi được chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành cấp quyền khai thác thủy sản đến nay, điều làm chúng tôi không còn phải lo nữa đó là tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép như cào hến, rà điện... không còn xảy ra; ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của bà con ngư dân được nâng cao”. PGS.TS Trương Văn Tuyển, Trưởng khoa Khuyến nông và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban điều hành Dự án Đồng quản lý Tài nguyên ven biển cho biết: “Trước sự thành công của Chi hội Nghề cá Giang Xuân, năm 2010, Dự án Đồng quản lý Tài nguyên ven biển phối hợp với UBND huyện Phú Vang, UBND xã Phú Mỹ tổ chức cấp quyền khai thác thủy sản cho Chi hội Nghề Phú Mỹ 1 gồm 104 hội viên, với diện tích trên 187 ha mặt nước đầm phá thuộc thủy vực đầm Sam Chuồn. Đến nay, Chi hội Nghề cá Phú Mỹ 1 được cấp quyền khai thác thủy sản gần 1 năm, mặc dù thời gian chưa dài nhưng đã giúp nhiều hội viên mang lại hiệu quả trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Thời gian tới, Dự án Đồng quản lý tài nguyên ven biển sẽ phối hợp với các huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền... tiếp tục tổ chức cấp quyền khai thác thủy sản cho các chi hội nghề cá, nhằm giúp các hội viên nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”. Cần nhân rộng mô hình Hiện, toàn tỉnh có hơn 50 chi hội nghề cá, nhưng đến nay chỉ có 13 chi hội được cấp quyền khai thác thủy sản. Thiết nghĩ, với con số còn quá khiêm tốn là cơ hội để các đối tượng khai thác thủy sản trái phép “lộng hành” trên phá Tam Giang - Cầu Hai. Hy vọng, qua những mô hình trên các huyện cần nhân rộng việc giao quyền khai thác thủy sản cho các chi hội nghề cá trong thời gian tới. Anh Mai Văn Sỹ, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho hay: “Đến thời điểm này, huyện Phú Lộc thành lập được 15 chi hội nghề cá, với khoảng 1.800 hội viên. Dựa trên sự thành công của Chi hội nghề cá Giang Xuân, đến nay, huyện Phú Lộc phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng cấp quyền khai thác thủy sản và quản lý mặt nước cho 10 chi hội nghề cá, với diện tích 5.935 ha. Kế hoạch, đến quý III-2011, UBND huyện Phú Lộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc phối hợp với Dự án Imola, Hội Nghề cá tỉnh tổ chức giao quyền khai thác thủy sản cho 5 chi hội nghề cá còn lại, nhằm giúp các hội viên cùng nhau quản lý và khai thác tốt mặt nước được giao”. Tương tự, huyện Phong Điền có 639,41 ha đầm phá, đến nay toàn huyện có 5 chi hội nghề cá; trong đó, xã Điền Hải 3 chi hội và xã Điền Hòa 1 chi hội nuôi trồng và khai thác thủy sản đầm phá; xã Phong Hải 1 chi hội khai thác thủy sản trên biển. Đến nay, huyện Phong Điền cấp quyền khai thác thủy sản cho Chi hội Nghề cá Điền Hòa có khoảng 100 hội viên trên diện tích 89,15 ha. Sau khi được cấp quyền khai thác mặt nước, ý thức của các hội viên được nâng lên rõ rệt, theo đó các nghề khai thác thủy sản trên đầm phá được sắp xếp ngăn nắp và giảm đáng kể. Đến nay, các hội viên ở Chi hội Nghề cá Điền Hòa khai thác thủy sản với 7 trộ nò sáo; thả nuôi 120 lồng cá; 45 hộ tham gia đánh bắt thủy sản bằng nghề lừ xếp, bình quân 60 cheo lừ/hộ; 45 hộ sử dụng nghề rê ba lớp, bình quân 30 tay lưới/hộ; 45 hộ tham gia nghề khai thác rong thủ công và bắt hến bằng tay. Đây là mô hình giao quyền khai thác mặt nước đầu tiên trên địa bàn huyện Phong Điền, bước đầu mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ở đầm phá. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền đã trình và đang chờ UBND huyện Phong Điền phê duyệt việc cấp quyền khai thác thủy sản cho 3 chi hội ở xã Điền Hải với diện tích 560,26 ha. Việc giao quyền khai thác thủy sản đến từng chi hội nghề cá là việc làm cần thiết, bởi khi được giao quyền khai thác thủy sản thì chi hội đó sẽ quản lý chặt chẽ các hội viên trong việc khai thác, nuôi trồng và cấm triệt để khai thác hủy diệt; đồng thời, xây dựng quy chế như: xử phạt các hành vi vi phạm, tổ chức đấu thầu những vùng trọng điểm... nhằm giúp các hội viên cùng nhau nâng cao ý thức quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Thanh Thuận