Theo một số doanh nghiệp chế biến thủy sản Đồng Tháp thì tổng diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến năm 2010 sẽ là 12.600 ha , nhưng con số này có thể đạt được ngay trong năm nay hoặc năm sau. Bằng chứng của sự phát triển "nóng" này là giá đất nuôi trồng thủy sản ven sông Hậu đã lên tới 1,5 đến 2 tỷ đồng /ha ở những vị trí thuận lợi, còn những vị trí hẻo lánh ít nhất cũng lên tới 500 triệu đồng/ha, thậm chí ở những vùng sụt lở đất cũng lên tới giá vài trăm triệu đồng

Trong khi nhiều vùng nuôi chưa được qui hoạch hoàn chỉnh thì việc nuôi thủy sản đã phát triển quá nhanh nên những ao nuôi nằm sâu phía trong không thể lấy được nước sạch để thay. Chưa kể hầu hết các trại nuôi không có hệ thống xử lý chất thải, do chưa có qui định và tiêu chuẩn bắt buộc về vấn đề này đối với các trại nuôi cá . Hơn nữa người nuôi chưa bao giờ nghĩ đến cũng như nhìn thấy ở đâu có thiết kế hệ thống như vậy. Ông Dương Trọng Nghĩa -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết : UBND tỉnh rất muốn qui hoạch lại nhưng khi thực hiện lại ảnh hưởng tới người dân, chẳng hạn như làm ảnh hưởng tới những người nghèo trồng cây lục bình ven sông bán lấy tiền sinh sống. Trong khi đó nguồn ngân sách Nhà nước chỉ có từ 6 đến 8 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chẳng thấm vào đấu so với nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh mà chủ yếu dành để làm đường , hệ thống điện tại các khu vực qui hoạch.

Bên cạnh đó, phần lớn các nhà máy chế biến thủy sản đều nằm ven sông nên nước thải được xả thẳng ra sông . Điều này nghe có vẻ phi lý vì tất cả các nhà máy chế biến đều có hệ thống xử lý chất thải . Nhưng vấn đề là ở chỗ, để cắt giảm chi phí sản xuất nhiều nơi chỉ vận hành hệ thống này khi cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường đến kiểm tra . Có nơi hệ thống xử lý hoạt động kém hiệu quả do trong nước thái có chứa nhiều hóa chất khiến các vi khuẩn có lợi được đưa vào để xử lý các chất thải hữu cơ không sống nổi. Nếu không có chiến lược tổng thể trên cả vùng nuôi và các nhà chế biến thì sau này khi các thị trường nhập khẩu dựng lên hàng rào " môi trường" thì con cá tra rất dễ bị tẩy chay, trong khi môi trường là vấn đề rất dễ nhạy cảm đối với người tiêu dùng ở các nước phát triển. Các hàng rào kỹ thuật còn dễ đáp ứng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo ông Nghĩa , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết vấn đề môi trường ở khu vực nuôi và chế biến thủy sản .

Đồng Tháp chỉ là một trong những ví dụ điển hình về môi trường của ngành sản xuất cá tra ở khu vực ĐBSCL. Do đó cần có những biện pháp ngay bây giờ cho vấn đề xử lý chất thải ở các trang trại sản xuất và chế biến thủy sản hiện nay ở Đồng Tháp và cả khu vực ĐBSCL nói chung.

Phan Đình Khôi (Theo www.monre.gov.vn)