Chiến lược Bảo tồn thế giới năm 1980 đưa ra khái niệm “phát triển bền vững” là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Chiến lược nhấn mạnh: các hoạt động của con người là nguyên nhân chính làm biến đổi sâu sắc thế giới tự nhiên.

(VOV)_ Tầm quan trọng của tài nguyên biển

Tâm điểm của chiến lược nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời khẳng định: bảo tồn không thể thành công nếu không giảm đói nghèo cho người dân sống trên đảo và đới ven bờ. Vì vậy, Đề án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” được xây dựng trên nguyên tắc đề án mở, nhằm đề xuất thêm những vấn đề mới, những dự án bổ sung để đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế biển. Trong đề án đã đưa ra gần 30 chương trình dự án ưu tiên, nhằm quản lý các hoạt động khảo sát, điều tra, nghiên cứu, phục hồi, tái tạo bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; các hoạt động kinh tế, hợp tác liên quan đến các điều kiện tự nhiên và đa dạng sinh học toàn bộ vùng biển lãnh hải, thềm lục địa thuộc chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Cho đến hết năm 2006, tổng số các khu bảo tồn biển của Việt Nam là khoảng 210 khu vực, trong đó có 17 Vườn Quốc gia, hơn 70 khu dự trữ thiên nhiên, khoảng 33 khu văn hoá - lịch sử - môi trường, hơn 50 vùng do địa phương quản lý, 14 khu ngập nước, 15 khu bảo tồn biển, gần 10 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Các khu bảo tồn tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Gần 130 khu đã được công nhận và được Chính phủ cấp kinh phí hàng năm để quản lý, bảo tồn.

Trong 10 năm trở lại đây, nhiều nhà khoa học về bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái ở Việt Nam đã đề nghị Chính phủ dành khoảng 10% lãnh thổ (tương đương 3,3 triệu ha) cho việc bảo tồn nguồn lợi đa dạng sinh học và duy trì sự ổn định của môi trường biển. Trong các hệ sinh thái dưới biển ở nước ta, các nhà khoa học đã xác định được khoảng 12.000 loài sinh vật, trong đó có hơn 2.400 loài cá, 2500 loài nhuyễn thể, khoảng 1.600 loài giáp xác, hơn 530 loài thực vật phù du, 200 loài chim di cư và các loài chim biển khác…

Báo động sinh thái biển

Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 30 năm qua, chất lượng của hệ sinh thái biển đã giảm xuống còn 65%, nên nhiều loài động thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng. Các hoạt động phát triển kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển đều gắn bó mật thiết với việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển (như đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí, vận tải biển, du lịch biển…). Diện tích của các huyện ven biển chiếm gần 20% tổng diện tích cả nước, với khoảng 20 triệu người sinh sống, nơi mà môi trường và đa dạng sinh học đang xuống cấp. Các hiện tượng thời tiết bất thường chính là một trong nhiều nguyên nhân gây suy giảm không nhỏ đến tài nguyên biển. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Bộ Thuỷ sản - nêu rõ: Sự biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lạnh của bề mặt nước biển ở một số đại dương toàn cầu trong thời gian gần đây như La Nina, El Nino… đã ảnh hưởng không nhỏ tới đa dạng sinh học biển của nước ta. Ngoài ra, các loại thiên tai như sa mạc hoá, hạn hán, thuỷ triều đỏ, nước trồi, lốc xoáy, bão biển, xói lở, sụt lún, lũ quét, động đất, sóng thần… cũng có tể gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến tài nguyên sinh vật biển ở nước ta.

Thạc sỹ Phan Hồng Dũng – Nghiên cứu viên chính Phòng nghiên cứu Bảo tồn Biển, Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ Thủy sản – cho biết: Mới đây, Bộ Thuỷ sản một lần nữa khẳng định tài nguyên biển ở nước ta, như rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô, nguồn lợi thuỷ sản… đang bị suy giảm nghiêm trọng. Ở nước ta, rừng ngập mặn phân bố dọc ven biển từ Bắc xuống Nam, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu của Viện Điều tra Quy hoạch rừng, năm 1982 cả nước có khoang 250.000 ha rừng ngập mặn tương đương diện tích rừng ngập mặn của đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1950. Những năm gần đây, do dân số tăng nhanh, nuôi trồng thuỷ sản phát triển quá mức, nên rừng ngập mặn lại càng suy giảm, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 126.000 ha (năm 1983) xuống còn 72.000 ha (năm 1995). Rừng ngập mặn là một trong 3 hệ sinh thái quan trọng của biển, nó có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế xói lở, cố định bãi bồi, chống sóng gió, cung cấp dinh dưỡng cho các loài thuỷ sản, lọc nước thải, giữ cân bằng sinh thái…

Theo các nghiên cứu của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, tốc độ tàn phá thiên nhiên của con người đã vượt xa khả năng cung cấp hỗ trợ của trái đất. Hơn 1/3 tài nguyên thiên nhiên của trái đất đã bị con người phá huỷ trong vòng 3 thập niên qua. Trong đó, diện tích rừng bị mất 12%, đa dạng sinh học biển giảm đi 1/3.

Đa dạng sinh học biển đã và đang góp phần cải thiện điều kiện sống, phục vụ con ngườI nên việc tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh quản lý, nghiên cứu, điều tra, khai thác, chế biến, sử dụng và duy trì các điều kiện môi trường tự nhiên và tài nguyên sinh vật biển theo hướng bền vững, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc gia, thoả thuận và công ước quốc tế./.

Mai Hạnh