Sau hơn 2 giờ ngồi đò, tôi đặt chân lên xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), hòn đảo nhỏ có cái tên gọi dễ thương: Cù Lao Xanh. Qua một đêm ngon giấc, buổi sáng đi dạo trên bãi biển, tình cờ bắt gặp không khí nhộn nhịp của bà con ngư dân. Mới hay, Nhơn Châu đang mùa cá cơm săn.

Niềm vui được mùa cá cơm săn

* Nghề phụ, thu nhập chính

Mùa cá cơm săn bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 (âm lịch) hàng năm. Người dân Nhơn Châu vẫn coi nghề đánh bắt cá cơm săn chỉ là nghề phụ, mang tính thời vụ vậy mà năm nay, dân đảo không giấu được niềm vui... “Đảo được mùa cá cơm săn. Từ tháng 3 bà con chúng tôi đã bắt đầu khai thác đến bây giờ. Ơn trời, năm nay không có bão, cũng phải hết tháng 8 mới hết mùa”- anh Trận, nhà ở thôn Đông, hồ hởi khoe. Tranh thủ buổi trưa, vợ chồng anh ra biển ngồi vá lại mấy tấm lưới bị rách. Anh kể: nghề chính của anh là đi lưới mành. Nhưng nay đang rộ mùa cá cơm săn nên tranh thủ đi lưới thúng. Bữa nào hên thì được cỡ chừng 1 tạ, bữa nào “thất” cũng được 5-10 kg. Bình thường thì vài ba chục kg. Với thời giá hiện nay, đầu nậu mua vào 6.000 đồng/kg nên cũng tạm gọi là làm ăn được.

5 giờ rưỡi sáng. Bãi biển thôn Đông đông nghịt người. Đây là lúc thuyền thúng đánh bắt cá cơm săn cập bến. Tiếng gọi nhau ơi ới, rộn ràng cả một vùng. Các gia đình tập trung vào thúng của mình. Những bàn tay thoăn thoắt giũ lưới. Cá cơm trắng lấp lóa trong lòng thúng. Anh Trần Thanh Sơn (thôn Trung) chỉ vào lòng thúng xâm xấp cá, cho biết: “Tui đi từ hồi 1 giờ sáng được chừng nầy cá, cỡ trên 50 kg. Bữa nay coi như cầm chắc 300 ngàn”.

Anh Nguyễn Văn Thả, công tác ở Đảng ủy xã, cả ngày tất bật với công việc cơ quan nhưng cuối ngày lại trở về với dáng vẻ của một ngư dân “chính hiệu”. Gặp anh trên bãi biển khi anh cùng cậu con trai đang giũ lưới chuẩn bị cho buổi đánh bắt ban đêm, tôi đùa: “Làm cán bộ mà còn bám biển như thế này thì tiền để đâu cho hết?”. Anh cười phân bua: “Thiệt ra, tiền lương cộng phụ cấp không đủ chi tiêu, trong khi 2 thằng con đang tuổi ăn, tuổi học. Đang vào mùa cá cơm săn, tranh thủ kiếm được đồng ra, đồng vào cũng đỡ”. Một ngày của anh Thả bắt đầu từ 2 giờ sáng, bơi thúng ra “ngư trường” và… giăng lưới. 5 giờ rưỡi bơi thúng về bến gọi vợ con ra phụ giũ lưới, cân cá cho đầu nậu. Xong việc, tranh thủ ăn uống, tắm giặt đến 7 giờ là anh đã có mặt ở cơ quan để bắt đầu công việc thường ngày…

Ông Trần Đình Khải, Chủ tịch Hội ngư dân xã cho biết: “Hiện nay, xã có khoảng trên 100 thuyền thúng khai thác cá cơm săn. Sản lượng đánh bắt trung bình một ngày khoảng 1,5 đến 2 tấn cá. Trong khi các loại hình khai thác thủy sản mang tính chủ lực của xã bị thất thu thì cá cơm săn lại được mùa. Nghề phụ trở thành thu nhập chính. Thấy bà con phấn khởi cũng mừng”.

* Chưa trọn niềm vui...

Thiên nhiên ưu đãi, người lao động cần cù bao giờ cũng được đền bù xứng đáng. Tuy nhiên, với nghề biển, đôi khi cũng còn phụ thuộc vào yếu tố hên xui, may rủi. Theo như anh Trận kể, bữa nào hên 1 thúng đánh bắt được 1 tạ cá. Nhưng số người đạt được mức sản lượng như thế không nhiều. Kể ra cụ thể thì từ đầu mùa đến giờ chỉ có anh Đủ, anh Sơn và vài người nữa “trúng” được vài chuyến. Bình quân thu nhập từ 50-300 ngàn đồng một chuyến đánh bắt cá cơm săn. Nếu phân bổ bình quân cho số người trong gia đình tham gia thì cũng không phải là nhiều. Bởi lẽ, từ lúc đẩy thúng ra biển đến lúc đặt con cá lên bàn cân, một người không thể cáng đáng hết việc. Thế nhưng theo bà con, có việc làm, có thu nhập là mừng rồi. Trong khi nghề chủ lực của bà con trên đảo đang bị thất thu thì ít ra, con cá cơm săn lúc này cũng phần nào đỡ đần cho bà con.

Một ngày của những người khai thác cá cơm săn bắt đầu từ 1, 2 giờ sáng. Một người một thúng lặng lẽ bơi ra “ngư trường” đặt lưới. 4, 5 giờ bắt đầu cuốn lưới, 5 giờ rưỡi có mặt tại bến. Cả gia đình tập trung giũ lưới để đầu nậu thu gom cá kịp cho chuyến đò chở vào Quy Nhơn ngay trong buổi sáng. Thời gian còn lại dành cho việc giặt lưới, vá lưới, sửa sang lại thúng chuẩn bị cho buổi đánh bắt ngày hôm sau.

Nhọc nhằn là vậy nhưng việc đầu tư ngư cụ đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm cũng lắm nhiêu khê. Với thời giá hiện nay, sắm một chiếc thuyền thúng mất khoảng 500 đến 700 ngàn. Trung bình 1 thúng cần từ 4 đến 5 tấm lưới (giá chừng 1 triệu đồng/tấm). Muốn khai thác trên “ngư trường” cá cơm săn, mỗi ngư dân phải đầu tư 5 đến 6 triệu đồng. Số tiền không nhỏ nên đa số bà con đều đi vay mượn.

Các đầu nậu bỏ tiền ra cho bà con vay mượn với quy ước được “độc quyền” mua sản phẩm. Cá về bến, đầu nậu đặt lên bàn cân. Được bao nhiêu kg thì ghi vào sổ. Sau khi cá được chuyển vào Quy Nhơn bán xong, đầu nậu quay về “áp giá” để trả tiền cho bà con. Giá mua hiện nay là 6.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm chỉ có… 3.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc đầu nậu có quyền “đặt giá” và ép giá để thu lợi nhuận cao. “Biết là mình bị đầu nậu ép giá nhưng không lẽ bà con mang từng ký cá vào Quy Nhơn bán? Cũng mong là họ còn có chút lương tâm để không ăn dày”- ngư dân Trần Thanh Sơn tâm sự.

“Nếu có chuyện ép giá như bà con nói thì cũng khó can thiệp vì giá cả còn tùy thuộc vào thị trường. Hơn nữa, chuyện “độc quyền” thu mua sản phẩm là do “thỏa thuận” của bà con khi vay mượn tiền của đầu nậu”- ông Đặng Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết. Thế nên được mùa cá cơm săn mà niềm vui của bà con vẫn còn chưa trọn.

Theo Báo Bình Định, Việt Linh