Nghề câu bạch tuộc mới phát triển ở Cát Hải (Phù Cát) vài năm nay, chẳng những đem lại thu nhập khá, mà còn giải quyết việc làm mùa vụ cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Hàng năm, khoảng tháng 5-6-7 Âm lịch, tại vùng biển từ Đề Gi (Phù Cát), đến Nhơn Hải, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), loài bạch tuộc (còn gọi là mực trùm) thường đến cư trú tại các rạn san hô cách bờ biển 3-4 km, ở độ sâu 15-25 sải tay. Đây cũng là mùa ngư dân Cát Hải đổ xô đi câu bạch tuộc. Theo ông Huỳnh Năm, một “lão ngư” ở Cát Hải, ban đầu chỉ vài ba người đi câu về ăn, do câu được nhiều nên đem bán. Thấy nghề này dễ làm, vốn mua sắm đồ nghề chẳng bao nhiêu (khoảng 60 - 70.000 đồng), sản phẩm dễ tiêu thụ, nên càng có nhiều người tham gia. Hiện nay ở Cát Hải có khoảng 200 ngư dân chuyên câu bạch tuộc.

Vào mùa câu, cứ sáng sớm có thuyền làm dịch vụ chở người đi câu ra biển; đến các vùng rạn có bạch tuộc, mỗi người xuống thuyền, ngồi trên chiếc phao tự tạo bằng cục xốp hoặc ruột ô tô để câu cả ngày rồi bán sản phẩm cho chủ thuyền. Anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Tân Thanh, cho biết: “Mỗi ngày tôi câu từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nếu trúng mánh thì được khoảng 25 kg, bán với giá 20.000 đồng/kg, thu được 500 ngàn đồng. Nếu ít thì cũng được 5-10 kg. Bình quân cũng kiếm được vài ba triệu đồng/tháng, chắc ăn hơn đi làm thợ bạn khơi xa”.

Không dừng lại ở ngư trường Cát Hải, một số ngư dân ở đây đã mở rộng địa bàn đến vùng biển Nhơn Hải, Nhơn Châu; bởi vùng này có nhiều rạn san hô, bạch tuộc “dày” hơn. Anh Huỳnh Có - ở thôn Tân Thanh, chủ thuyền làm dịch vụ đưa đón người đi câu và cũng là “đầu nậu” thu mua bạch tuộc - cho biết: Mỗi ngày công vận chuyển thợ câu và mua bán khoảng 500 kg bạch tuộc tôi kiếm được khoảng 700 - 800 ngàn đồng. Hiện nay, loại mực này tiêu thụ khá mạnh, lại xuất hiện nhiều nên cả chủ thuyền và thợ câu đều kiếm sống được.

Đã đành nghề câu bạch tuộc mang lại thu nhập khá, song người câu mực lênh đênh trên biển cả ngày bằng những chiếc phao tự tạo rất thô sơ, dễ bị tai nạn khi bất ngờ có sóng to, gió lớn. Chính quyền địa phương nên khuyến cáo các chủ thuyền vận chuyển và người đi câu trang bị các phương tiện cứu sinh để đảm bảo an toàn trong khi hành nghề.

Nguyễn Văn Hùng (Theo vietlinh)