Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới có thềm biển bao bọc suốt chiều dài đất nước. Ngoài khơi biển Việt Nam lại có khá nhiều đảo lớn nhỏ. Sự hình thành các rạn san hô ven biển và đảo tạo ra một nguồn lợi khác: cá rạn san hô. Trên thực tế, cá rạn san hô không dùng để làm thực phẩm, nhng giá trị kinh tế loại cao gấp nhiều lần. Cá có rất nhiều màu sắc khác nhau khiến các rạn san hô trở nên lộng lẫy như thuỷ cung.
Hiện nay, thị trường cá rạn san hô ở Việt Nam đang ở vào mức tiêu thụ khá, hấp dẫn bởi càng ngày nhu cầu nuôi cá cảnh tại Việt Nam càng trở nên đa dạng. Trên thị trường quốc tế, các loại cá san hô có con được bán với giá từ 300 đến 500USD, hoặc mỗi ký là 300.000 USD. Chính vì giá trị tính ra tiền hấp dẫn như thế, nên nhiều nước đã coi việc xuất khẩu cá rạn san hô là một nguồn lợi kinh tế không thể thiếu như Srilanca, Philippines, Indonesia.
Cá rạn san hô ở biển Việt Nam
Các loại cá sống ở rạn san hô chỉ có ở các vùng biển nhiệt đới. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã thống kê và cho biết, có khoảng 300.000 loài cá khác nhau, trong đó có 4.000 loài cá sống ở các rạn san hô. Biển Việt Nam nằm ở Thái Bình Dương và vịnh Thái Lan nên chủng loại cá cũng rất phong phú. Phó tiến sĩ Nguyễn Hữu Phụng (Viện Hải dương học Nha Trang) cùng các cộng tác viên khác đã kiểm kê được 635 loài cá ở biển Việt Nam với 62 họ. Những bản báo cáo của các nhà khoa học về các loại cá san hô cho thấy có 4 họ đông nhất: Họ cá Pomacentridae với 91 loài, họ cá bàng chài Labridae với 49 loài và họ cá mó Scaridae với 41 loài. Như vậy chỉ với 1 họ cá đã có nhiều hình dáng màu sắc khác nhau đã khiến cho thềm biển Việt Nam trở nên hấp dẫn. Riêng vùng biển Nha Trang có 398 loài, được ghi nhận là vùng cá rạn san hô đa dạng nhất ở Việt Nam. Qua khảo sát vùng biển Nha Trang, có hai khu vực rạn san hô còn nguyên trạng là hòn Mun và hòn Gốm (vịnh Văn Phong). Hòn Mun đã từng được đề nghị biến thành công viên biển.
Ở ngoài khơi biển Khánh Hoà có quần đảo Trường Sa, đây là vùng biển có nhiều rạn san hô. Trong năm 1994, hai báo cáo về khảo sát tại biển Trường Sa như sau: Một của Nguyễn Thanh Triều gồm 193 loài thuộc 30 họ, hai của Nguyễn Hữu Phụng gồm 219 loại thuộc 44 họ. Trong báo cáo của Nguyễn Hữu Phụng cho thấy có 159 loài chỉ ở vùng biển Trường Sa mới có và các loại cá quý hiếm được ưa chuộng ở các nơi khác như Philippines, Indonesia, Austrlia... đều có ở Việt Nam như: mao tiên, bàng chài, nóc chuộc, thia...
Khai thác như thế nào
Trên thực tế, nếu biết khai thác hợp lý cá sẽ không cạn kiệt. Tuỳ theo đặc tính sinh trưởng mà có loại cá rất hiếm như mao tiên. Cá thần tiên là loại cá sống đơn lẻ, không thành bầy. Nhiều khi cả vùng biển rộng chỉ có chừng 10 con. Chính sự khan hiếm cho cá thần tiên được bán giá cao. Ngược lại có loài cá như bàng chài, cá thia thì lại sống tập trung từng đàn, mỗi đang có khi lên tới 1.000 con. ở các vùng biển Việt Nam có nhiều san hô (từ Bình Thuận đến Đà Nẵng), chủng loại cá thường phong phú. Hiện nay, việc khai thác cá để cung cấp cá cảnh đã trở thành nguồn lợi cho nhiều tỉnh. Mùa "săn" cá rạn san hô thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 10, lúc này biển êm và không có bão lụt. Hai năm gần đây, số cá rạn san hô xuất từ Nha Trang mỗi năm khoảng 5-6 ngàn con, và có khả năng tăng vọt trong vài năm tới.
Trong các công trình nghiên cứu của mình, Viện Hải dương học Nha Trang đã thử nghiệm việc nuôi và cho đẻ cá ngựa. Cá ngựa không những là loài cá cảnh, còn là nguồn dược liệu quý hiếm. Những loại cá quý hiếm khác ở vùng rạn san hô cũng đã được lưu ý để tiến tới nuôi và cho đẻ nhân tạo. Trên thực tế không xa, vấn đề xuất khẩu các loại cá san hô cũng sẽ được đặt ra - có khả năng như những loài cá khác, chúng sẽ bị khai thác bừa bãi.
Để tránh tiêu diệt chúng trong tương lai, các nhà khoa học đã đưa ra đề nghị chỉ khai thác ở mức cho phép. Có nghĩa là đối với các loại cá đơn độc, mật độ một rạn chỉ có 10 con, thì nên định thời hạn khai thác cho chúng sinh trưởng, và chỉ khai thác 1/3 số cá hiện có. Đối với loài cá đàn, khai thác nửa đàn thì ngừng.
Nhưng dù cho khai thác đúng, nguồn cá rạn san hô đang nguy cơ mất đi những giống quý hiếm thực sự, do là tình trạng khai thác san hô cung cấp cho các lò vôi, xi măng. Nếu muốn phục hồi cảnh quan các vùng biển này, phải chấm dứt nổ mìn để san hô tái tăng trưởng. Lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế biển vẫn âm ỉ tiếng nổ phá tan các rạn san hô. Hậu quả khai thác đá vôi đã biến thềm biển hòn Chồng giàu san hô và các loài cá quý hiếm thành biển chết.
Cá rạn san hô ở Việt Nam (chủ yếu vùng biển miền Trung) cần được bảo toàn và khai thác hợp lý ngay từ bây giờ nhằm giữ những giống cá quý hiếm không rơi vào tình trạng tuyệt chủng.
Khuê Việt Trường (Sài Gòn giải phòng, thứ Năm, ngày 29/03/2001, tr6)
Theo www.nea.gov.vn/thongtin_mt/noidung