Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết đã bắt được một con cá heo mũi khoằm có một bộ vây đặc biệt mà họ cho là dấu tích của những chân sau. Điều này chứng tỏ loài thú sống dưới biển này từng đi lại trên cạn.
(Ảnh: spokesmanreview) |
Nhiều hoá thạch được tìm thấy trước đó cũng cho thấy cá heo và cá voi là động vật 4 chân sống trên cạn khoảng 50 triệu năm trước và có cùng tổ tiên với hà mã và hươu. Các nhà nghiên cứu tin rằng sau này chúng đã chuyển sang cuộc sống dưới nước và các chi bị teo dần đi.
Trước đó, người ta đã phát hiện thấy những mẩu trồi ra kỳ lạ ở gần dưới đuôi cá heo và cá voi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng đây là lần đầu tiên tìm thấy một con vật có bộ vây phát triển cân đối hoàn chỉnh.
"Tôi tin rằng các vây này là dấu tích còn sót lại từ thời tổ tiên cổ đại của cá heo sống trên cạn. Đây là một phát hiện trước nay chưa từng có", Seiji Osumi, tại Viện nghiên cứu động vật biển có vú ở Tokyo, phát biểu.
Bộ vây thứ 2 - nhỏ hơn nhiều so với 2 vây trước - có kích cỡ bằng bàn tay con người và nhô ra ở gần dưới đuôi cá heo. Con vật dài 2,72 m và khoảng 5 tuổi.
Có thể một đột biến gene nào đó đã khiến đặc điểm cổ đại này tái xuất, Osumi nói. Con cá sẽ được giữ tại bảo tàng Taiji để kiểm tra X-quang và ADN.
Theo AP, Vnexpress, Aquabirdvn