Theo một tuyên bố mới đây của các nhà khoa học hàng đầu của Úc thế giới có cơ hội rất hạn hẹp để cứu các rạn sa hô khỏi bị hủy hoại do sự biến đổi khí hậu bất thường. Lời kêu gọi là kết quả của Diễn đàn quốc gia về Tương lai của rạn san hô được tổ chức tại Viện nghiên cứu khoa học Úc - Australian Academy of Sciences ở Canberra.

"Khi san hô chết do ô nhiễm, bệnh tật hoặc sự biến đổi khí hậu, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các loài sinh vật khác sống tại rạn san hô. Nếu không có san hô, sinh cảnh này sẽ bị hủy hoại. Nhiều nguồn lợi thủy sản từ rạn san hô đang bị suy giảm do hiện tượng san hô bị chết hàng loạt" Tiến sỹ Morgan Pratchett, môt nhà nghiên cứu của Trường đại học James Cook cho biết.

"Không thể bảo vệ các rạn san hô khỏi ảnh hưởng của khí hậu trừ khi thông qua việc giảm khí nhà kính. Nếu không có các chỉ tiêu giảm thiểu, những hư hại đối với rạn san hô hiện nay do hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ càng xấu đi và sẽ sớm dẫn tới hậu quả không thể sửa chữa được" Giáo sư Ove Hoegh-Guldberg của Trường đại học Queensland và Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu ARC nói.

Ông Hughes và Giáo sư Hoegh-Guldberg đều là các tác giả có đóng góp lớn cho Ủy ban quốc tế về Biến đổi khí hậu - International Panel on Climate Change (IPCC), và gần đây được nhận giải thưởng Nobel cùng với ông Al Gore.

Theo giáo sư Malcolm McCulloch, một nhà địa chất học các rạn san hô tại Trường đại học quốc gia Úc và cũng là phó giám đốc trung tâm ARC “Sự biến đổi khí hậu không phải là một mối đe dọa nào đó trogn tương lai – nó đã gây ra những tổn thất to lớn đối với cuộc sống của loài người và những tổn thất này sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Các đại dương đang bị axit hóa do lượng khí CO2 trong khí quyển tăng lên”

"Khai thác quá mức cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác đối với rạn san hô cần phải giải quyết." Tiến sỹ Sean Connolly, thuộc trung tâm ARC nói. "Trong khi chúng ta đang thảo luận thì loài cá mập sống ở rạn san hô đang bị suy giảm. Không ai biết những ảnh hưởng lâu dài của việc xóa bỏ hoàn toàn loài ăn thịt bậc 1 trong chuỗi thức ăn này– hơn 90% số lượng của loài cá mập này đã bị biến mất."

Tuyên bố chung của các nhà khoa học

Hơn 50 nhà khoa học thuộc Trung tâm ARC chuyên nghiên cứu về rạn sna hô - Centre of Excellence for Coral Reef Studies đã tuyên bố như sau.

Chúng tôi kêu gọi toàn xã hội và các chính phủ phải có biện pháp giảm thiểu khí nhà kính một cách đáng kể ngay lập tức. Nếu không giảm thiểu những hủy hoại đối với rạn san hô do hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ sớm gây ra những hậu quả không thể sửa chữa.

Hiện tượng axit hóa đại dương do lượng khí CO2 trong khí quyển tăng lên đang ngày càng xấu đi và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và độ bền vững của bộ xương canxi bên ngoài của các loài như san hô. Giảm phát thải CO2 là cách duy nhất để ngăn chặn những tác hại đối với các rạn san hô. Việc mất đi các loài san hô cũng tác động tới nhiều loài khác và giảm nguồn loại thủy sản của rạn.

Các rạn san hô vô cùng quan trọng về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Vì vậy cần phải duy trì chúng. Ví dụ rạn san hô Great Barrier đóng góp $6.9 tỷ hàng năm cho nền kinh tế Úc - $6 tỷ từ công nghiệp du lịch, $544 triệu từ các hoạt động vui chơi, giải trí và $251 triệu từ đánh bắt thương mại. Các hoạt động kinh tế này tạo ra hơn 65 000 công ăn việc làm.

Biến đổi khí hậu, khai thác quá mức và ô nhiễm tiếp tục gây ra sự suy giảm hàng loạt và ngày càng xấu đi đối với sự đa dạng của các loài san hô và sự biến đổi toàn cầu của các hệ sinh thái rạn. Thậm chí cả các rạn san hô được quản lý tốt ở ngoài khơi xa cũng đang bị đe dọa do sự biến đổi khí hậu.

Hiện tượng san hô chết trắng hàng loạt đã tăng lên rất nhiều về tần suất và mức độ trong vòng 30 năm qua do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đối với các rạn san hô sự biến đổi khí hậu không phải là một mối đe dọa tương lai nào đó – nó đã gây ra những tác động xấu rất lớn và sẽ tăng lên trong những năm tới. Hiện tượng san hô chết trắng do sự biến đổi khí hậu đã gây hư hại trên diện rộng tại rạn san hô e Great Barrier trong năm 1998 và 2002.

Thế giới có cơ hội rất nhỏ để cứu các rạn san hô khỏi bị hủy hoại do sự biến đổi khí hậu bất thường. Giảm thải khí nhà kính một cách đáng kể và có tính toàn cầu cần phải bắt đầu ngay lập tức chứ không phải trong vòng 10, 20 hoặc 50 năm

Các khu bảo tồn nghiêm ngặt (vùng xanh) là một công cụ quản lý quan trọng để bảo vệ các loài sinh vật của rạn san hô và các chức năng sinh thái của chúng. Để có hiệu quả 25-35% các sinh cảnh biển cần phải nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt trong thời gian dài. Tại Úc nhiều rạn san hô đã đạt được mức độ bảo vệ này (đặc biệt tại vùng lãnh thổ phía bắc, tây của Úc, đông nam Queensland và vùng Coral Sea).

Các loài động vật lớn sống tại rạn san hô như bò biển, rùa, cá mập đang tiếp tục bị giảm số lượng nhanh chóng và về mặt sinh thái chúng đã bị tuyệt chủng tại hầu hết các rạn san hô của thế giới. Tại Úc các hoạt động quản lý hiện nay không duy trì được các quần thể động vật lớn đã bị suy giảm nghiêm trọng. Đánh bắt và buôn bán các động vật này cần phải bị cấm để các quần thể bị suy giảm có thể phục hồi.

Các biện pháp tại địa phương có thể giúp tái tạo lại tính chịu đựng của các rạn san hô và thúc đẩy quá trình phục hồi của chúng. Ngăn ngừa sự lấn át của tảo tại các rạn san hô bằng cách giảm lượng nước thải từ đất liền và bằng cách bảo vệ các đàn cá ăn tảo là vô cùng quan trọng.

Theo ScienceDaily, www.fistenet.gov.vn.