Những đàn cá sống ở rặng san hô Great Barrier Reef của Australia, khu bảo tồn sinh vật biển lớn nhất thế giới, thường thích quanh quẩn gần “nhà” vì chúng biết nơi nào để tìm thức ăn hoặc trốn tránh động vật săn mồi.
Nhưng lúc còn rất nhỏ và không thể tự bơi, cá con có thể bị trôi dạt xa đến 32 km. Đến khi trưởng thành và biết bơi, chúng sử dụng khứu giác để “đánh hơi” dòng nước biển và tìm đường về nhà, các nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu Sinh vật Đại dương ở Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Giống như một số động vật trên cạn, lươn, cá da trơn và cá mập đầu búa cũng là những loài có khả năng “đánh hơi” rất tốt. Cá kiểng cardinal, được nuôi phổ biến trong các hồ cá gia đình, thích “định cư” trong hốc đá nơi chúng được sinh ra và dùng mũi để phân biệt các phiến đá trong hồ.
Trong khi đó, loài cá trinh nữ (phổ biến ở khu vực Thái Bình Dương) có thể sống ở nhiều bãi đá ngầm và dùng khứu giác để tìm đường về an toàn sau khi trôi dạt đến vùng nước ấm áp hơn. Dù chưa thể chứng minh loài cá định hướng bằng mùi nhưng giáo sư Jelle Atema của Đại học Boston cho rằng ngoài phạm vi bán kính 800 m, cơ quan thính giác không còn giúp được gì cho cá trong việc dò tìm hướng bơi
Theo Reuters, Báo Cần Thơ, Aquabirdvn