Không chỉ hoành hành dữ dội ở các sông, rạch vùng ĐBSCL, những cách đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản như xuyệt điện, cào điện... còn khiến cho các ngư trường rộng lớn ngày càng trở nên cạn kiệt.
Một số nghề bị cấm như cào bờ, xiệp mé, xung điện, cào bay... gần đây đã có khuynh hướng phát triển trở lại, tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản, phá vỡ cân bằng sinh thái biển. Thông tin nói trên vừa được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường biển ở tỉnh Kiên Giang. Chỉ trong chín tháng đầu năm, các cơ quan chức năng ở tỉnh này đã phát hiện đến 825 trường hợp vi phạm.
Còn ở tỉnh lân cận Cà Mau, hiện hàng loạt chiếc tàu được trang bị xung điện, hoạt động rất rầm rộ. Dòng điện phát ra thường trên 220V, với tầm “sát thương” có đường kính khoảng mười mét. Cá, tôm lớn nhỏ lớp bị gom vào lưới, lớp chết vùi dưới biển...
Đáng lo nhất là nghề cào, có thể hủy diệt nhiều nguồn tài nguyên biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Với những tấm lưới mắt dày, cả những sinh vật biển li ti cũng bị gom sạch vào lưới. Lưới đi đến đâu, bùn nổi dày đến đó. Chỉ tính trên vùng biển Cà Mau, mỗi ngày có hàng ngàn chiếc ghe cào như vậy ung dung tàn phá biển.
Theo ông Nguyễn Minh Anh, cán bộ Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, do hầu hết các hoạt động khai thác hải sản chỉ tập trung tại các vùng ven bờ có độ sâu dưới 30 mét, nên một số khu vực đã bị ngư dân khai thác vượt mức cho phép từ 10-12 %. Việc sử dụng các công cụ đánh bắt mang tính hủy diệt như hóa chất, độc chất cyanua, mìn, kích điện, mắt lưới dày đã ngày càng phổ biến. Điều này khiến danh sách các loài thủy hải sản bị đe dọa tăng lên 135 loài - trong đó có 78 loài hải sản, so với 15 loài vào năm 1989! Một số loài như tu hài, vẹm xanh, sá sùng, trai tai tượng... đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Nếu như Bộ Thủy sản (cũ) quy định, tàu đánh cá có sử dụng ánh sáng chỉ được dùng bóng đèn có công suất từ 300-500W và tổng công suất các bóng không quá 10.000W, thì tại Cà Mau hiện nay, lượng tàu vi phạm không thể đếm xuể. Tình trạng phổ biến là các tàu đều trang bị đèn có công suất 3.000W, và số lượng đèn trên mỗi tàu hầu như đều trên 20 bóng. Khi “trúng” những luồng ánh sáng chói lòa này, cá nhỏ thì nổ mắt, cá lớn thì xung huyết mắt và nếu có thoát được lưới cũng chết hoặc suy giảm khả năng sinh sản.
Theo các nhà khoa học, việc khai thác cạn kiệt hải sản và tình trạng ô nhiễm dễ gây ra sự lấn át của các loài rong tảo biển, khiến các rạn san hô suy thoái dần. San hô chết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các loài sinh vật khác đang sống trong khu vực...
Một số ngư dân vi phạm cho rằng, nếu khai thác theo đúng quy định thì chẳng thể tồn tại với nghề bởi lượng hải sản thu được quá ít. Thế nhưng, theo ông Minh Anh thì đó chính là hậu quả do chính họ gây ra, khi đã làm suy giảm nhanh chóng nguồn lợi mà biển mang lại. Nguồn lợi thủy sản đang giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt cũng giảm dần. Ông cho rằng, sự gia tăng tổng sản lượng hải sản khai thác hàng năm không phải nhờ trữ lượng tăng mà do số lượng tàu thuyền đánh bắt tăng lên. Chỉ trong giai đoạn 1983-2005, số tàu thuyền lắp máy đã tăng từ 29.117 lên 90.880 chiếc và công suất trung bình cũng tăng lên hơn ba lần.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn do hầu hết người vi phạm đều là dân nghèo, nếu tịch thu phương tiện thì cuộc sống của họ chẳng biết sẽ ra sao. Ở Kiên Giang, chỉ trong chín tháng đầu năm đã xử phạt hành chính trên 3,6 tỉ đồng nhưng vẫn không ngăn chặn được việc khai thác kiểu hủy diệt.
Hồ Hùng (Nguồn: vietlinh)