Ngày 4/12/2007, Hội đồng Đào tạo sau đại học của Viện Nghiên cứu Hải sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước cho Nghiên cứu sinh Chea Phala, quốc tịch Cam-pu-chia. Đề án của NCS. Chea Phala thuộc Chuyên ngành Ngư loại học mang mã số 62 42 50 05 với nội dung “Đánh giá nguồn lợi cá bạc má Rastrelliger kanagurta (Cuvier, 1816) khai thác bằng nghề lưới vây ở vùng biển ven bờ từ Nghệ An đến Bến Tre”.

Luận án của Nghiên cứu sinh Chea Phala được Hội đồng đánh giá là công trình nghiên cứu có hệ thống về nguồn lợi và nghề khai thác cá bạc má bằng lưới vây ở vùng biển Việt Nam. Luận án tập trung nghiên cứu các nội dung chính về hiện trạng nguồn lợi, năng suất khai thác, biến động sản lượng và các nguyên nhân gây ra sự biến động nguồn lợi. Dựa trên các kết quả thu được tác giả đã xây dựng mô hình dự báo biến động nguồn lợi cá bạc má ở từng vùng biển và đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác hợp lý nhằm phát triển bền vững nghề lưới vây ở biển Việt Nam. Luận án không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học: xây dựng cơ sở khoa học lý thuyết về biến động nguồn lợi cá nổi nhỏ mà còn có ý nghĩa cả về thực tế: đánh giá tình hình khai thác, biến động năng suất và sản lượng khai thác, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý, phát triển bền vững cho nghề lưới vây.

Cùng ngày, Hội đồng cũng đã tổ chức chấm đề cương của nghiên cứu sinh NCS. Nguyễn Đăng Ngải với tiêu đề: “Nghiên cứu quần xã san hô cứng và một số ảnh hưởng của cấu trúc quần xã san hô tới phân bố nguồn lợi động vật đáy và cá rạn san hô ở quần đảo Trường Sa”. Đây là đề án nghiên cứu thuộc chuyên ngành sinh vật học, mang mã số 62 42 50 01.

Đoàn Thu Hà