Các hệ sinh thái ở vùng biển Quảng Nam gồm san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển… vừa là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người, vừa là lá chắn bảo vệ con người trước hiểm họa thiên nhiên. Hiện nay, các hệ sinh thái đang mất dần, thậm chí có nguy cơ bị hủy diệt nếu như không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ.
Hệ sinh thái biển bị thu hẹp
Theo số liệu khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, vùng biển nông ven bờ ở các xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang (Núi Thành) hầu hết là các thảm cỏ biển có diện tích 200ha với 4 loài : cỏ hẹ (Halodute unineris), cỏ lươn (Zostera marina), cỏ xoan (Halophila ovahis), cỏ vich (Thalassia hemprichiii). Trong đó, cỏ lươn là loài phong phú nhất. Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Đại (Viện Hải dương học Nha Trang), cỏ biển là một hệ sinh thái có vai trò quan trọng đối với môi trường và nguồn lợi sinh vật. Cỏ biển là nơi cung cấp thực phẩm, nơi sinh sống của nhiều sinh vật có giá trị, là nơi đa dạng gen rất cao và cái nôi nuôi dưỡng sinh vật non, đặc biệt thích nghi với các loại cá mú, tôm hùm, cá dìa, cua bùn… PGS-TS. Nguyễn Hữu Đại nhận định, trước đây, vào mùa khai thác hằng năm, nơi đây là nguồn “thu nhập” lớn của ngư dân dọc ven biển. Trung bình mỗi đêm, ngư dân ở đây đánh bắt và thu trên 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thảm cỏ biển ngày càng thu hẹp dần, nguồn lợi thủy hải sản theo đó cũng đã suy giảm nhanh. Nguyên nhân chính là do hoạt động đánh bắt và khai thác một cách tự phát, mang tính hủy diệt
Theo ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam,“Dự án xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Quảng Nam nhằm mục tiêu triển khai quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý và bảo vệ, phục hồi các sinh cảnh, tài nguyên tại vùng bờ. Trong đó, có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn, đa dạng sinh vật học bờ biển, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử. Đặc biệt là giảm thiểu, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, cân bằng lợi ích kinh tế với lợi ích chung của các ngành và cộng đồng”.
Cùng với những thảm cỏ biển, rạn san hô (còn gọi là “rừng” dưới đáy biển) là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất, bao gồm nhiều loài đặc trưng đại diện cho hầu hết các nhóm động vật ven biển đang biểu hiện xu hướng suy thoái nhanh. Theo số liệu điều tra của Viện Hải dương học Nha Trang, tại Quảng Nam ngoài nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô (ở Cù lao Chàm và Tam Hải) thì việc đánh bắt hủy diệt cũng được xem là “biện pháp” phổ biến và trầm trọng. Trên 85% số rạn bị đe dọa ở mức trung bình và cao, 50% số rạn bị đe dọa bởi hoạt động khai thác quá mức, 47 số rạn bị đe dọa bởi lắng đọng trầm tích, 40% số rạn bị đe dọa do phát triển vùng ven biển…
Không chỉ “rừng” dưới đáy biển mất đi mà ven bờ với hơn hàng trăm hecta rừng ngập mặn ở các huyện vùng đông hiện nay đang mất dần. PGS-TS. Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, trước đây Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng ngập mặn chiếm khá lớn. Rừng ngập mặn là hệ sinh thái đa dạng, có vai trò quan trọng, được ví như lá chắn xanh bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển để chống xói lở, hạn chế tác hại của gió bão, mở rộng đất liền. Rừng ngập mặn còn được ví như “nhà máy lọc sinh học” khổng lồ. Về kinh tế, tài nguyên rừng ngập mặn rất đa dạng với gỗ, than, tanin, chim thú và nhiều loài hải sản có giá trị xuất khẩu… Nhưng, do công tác quản lý lỏng lẻo, tình trạng khai thác gỗ, chất đốt ồ ạt, đặc biệt việc phá rừng ngập mặn để đào ao nuôi tôm, cua, cá… đã “góp phần” xóa sổ hàng trăm hecta rừng. Việc phá rừng ngập mặn nuôi tôm trước mắt có thể đem lại lợi nhuận kinh tế trước mắt, nhưng hậu quả thì khôn lường. Thực tế, ở các ven biển Cẩm Thanh (Hội An), Tam Giang, Tam Quang, Tam Hòa (Núi Thành), diện tích rừng ngập mặn mất dần đã tạo điều kiện sự xâm nhập nước mặn vào đất liền diễn ra rất nhanh, thúc đẩy quá trình xói lở, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.
Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ
Theo kết quả phân tích một số mẫu nước tại các sông Vĩnh Điện, Cửa Đại, An Hòa..., các chỉ số về chất lượng nước đều vượt các tiêu chuẩn môi trường cho phép, nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Đây là vấn đề đang gây lo ngại cho toàn xã hội. Được biết, Quảng Nam đang được chọn triển khai dự án xây dựng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Viện Hải dương học Nha Trang và Viện Khoa học & Công nghệ được giao triển khai thực hiện dự án này. Trên cơ sở đó, tiến hành đề xuất xây dựng khung quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Quảng Nam. Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Đại, vấn đề ưu tiên hàng đầu là Quảng Nam cần phải có biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động ở ven bờ và đất liền, trên cơ sở đánh giá rủi ro môi trường đối với các hệ sinh thái biển, nguồn và chất thải gây ô nhiễm từ các lưu vực đổ ra biển, đặc biệt là các vùng nuôi trồng thủy sản trên sông Trường Giang. Trước mắt, chương trình hành động sẽ ưu tiên hàng đầu triển khai ở giai đoạn từ nay đến năm 2015. Trong đó xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển vùng ven biển và biển Quảng Nam, tập trung khai thông sông Trường Giang, chỉnh trị dòng chảy Cửa Lở… nhằm giảm xói lở bờ biển, giải tỏa ô nhiễm môi trường, tạo hành lang thoát lũ, phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch quản lý phát triển bền vững Khu Kinh tế mở Chu Lai, xây dựng phương án bảo tồn biển Cù lao Chàm, hệ sinh thái ven biển khu vực vũng An Hòa, rừng ngập mặn Cửa Đại, vũng An Hòa…
Đặng Hùng
(Nguồn monre.gov.vn)