Từ năm 1975 đến nay, các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam không những không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng. Chúng đều có nguồn gốc sâu xa từ sự tăng dân số, phát triển kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ...

Theo Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên, Môi trường), hầu hết các hệ sinh thái (HST) tự nhiên tại Việt Nam hiện đều đang phải chịu sức ép nặng nề từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội một cách thiếu quy hoạch, có khi còn manh mún, cục bộ, địa phương và dàn trải. Đến năm 2005, tỉ lệ che phủ của rừng đạt 36,7%, được coi là an toàn nhưng chất lượng rừng chưa được cải thiện. Phần lớn rừng tự nhiên hiện thuộc nhóm rừng nghèo, trong khi đó rừng nguyên sinh chỉ còn 0,57 triệu hécta và đây mới là nơi có tính ĐDSH cao. Rừng trồng thường đơn điệu, tính ĐDSH thấp.

HST đất ngập nước thường nhạy cảm và dễ bị đe dọa ở Việt Nam. Cụ thể: tổng diện tích rừng ngập mặn của cả nước hiện chỉ còn gần 156.000 hécta, giảm 100.000 hécta so với trước năm 1990. Trong hai thập kỉ qua, trên 200.000 hécta rừng ngập mặn đã bị phá để nuôi tôm. Rừng ngập mặn tự nhiên nguyên sinh hầu như không còn. Mất rừng ngập mặn gây ra tổn thất nghiêm trọng về ĐDSH, đặc biệt là mất bãi đẻ của các loài thủy sản, mất nơi trú chân và làm tổ của các loài chim, làm mất chức năng chống phèn hóa, hạn chế ô nhiễm, ngăn ngừa xói lở của các vùng cửa sông, ven biển. HST đầm phá, trảng cỏ ngập nước cũng rơi vào tình trạng nêu trên.

Hầu hết các HST biển khơi của Việt Nam đều đang bị suy thoái trong đó có nguyên nhân bởi ô nhiễm chất thải, lắng đọng trầm tích và ô nhiễm tràn dầu do khai thác dầu mỏ. Các nghiên cứu cho thấy có những biểu hiện thay đổi về cấu trúc quần xã thủy sinh vật ở hầu khắp các vùng biển, đặc biệt là ở khu vực có độ sâu trên 30m ở vịnh Bắc bộ, Đông - Tây Nam bộ và 50-100m ở ven biển miền Trung. Mật độ các loài thủy sản có giá trị khai thác giảm đáng kể, có những loài nhiều năm không gặp như cá đường, cá gộc ở vùng biển Đông, Tây Nam bộ. Theo thống kê hiện có 85 loài hải sản bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 70 loài đã được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài trong số này hiện vẫn đang là đối tượng bị khai thác. Gần đây, ở một số vùng biển ven bờ đã xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ do sự phát triển của các loài tảo độc, gây tổn thất nghiêm trọng cho các trại nuôi tôm, cá mú trắng, làm chết nhiều sinh vật biển khác.

Vùng biển bị ô nhiễm, các rạn san hô là nơi chịu tác động xấu đầu tiên. Rạn san hô là những vùng có tiềm năng bảo tồn ĐDSH cao, cung cấp nguồn lợi sinh vật biển, nguồn giống hải sản tự nhiên và dịch vụ du lịch sinh thái. Khảo sát 200 điểm rạn san hô ở dải ven biển Việt Nam trong hơn 10 năm qua cho thấy độ phủ của san hô trên các rạn trong tình trạng không tốt. Chỉ khoảng 1% số rạn có độ phủ cao trong khi số rạn có độ phủ thấp chiếm tới 31%. Hầu hết các rạn san hô bị đe dọa bởi hoạt động của con người, với 50% số rạn xếp ở mức độ đe dọa cao và 17% ở mức rất cao. Đánh bắt hủy diệt được cho là rất phổ biến và trầm trọng với trên 85% số rạn bị đe dọa ở mức trung bình và cao. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm có tỉ lệ các rạn san hô bị đe dọa nhiều nhất, cùng với Phi-líp-pin, Trung Quốc, và In-đô-nê-xi-a.

ĐDSH đặc hữu của Việt Nam hiện cũng đang bị đe dọa do sự xuất hiện các loài sinh vật ngoại lai. Điển hình là cây mai dương và ốc bươu vàng đã gây những hậu quả xấu đối với môi trường và ĐDSH như lấn át, loại trừ và làm suy giảm các loài sinh vật và nguồn gien, phá vỡ cấu trúc và chức năng của HST, phá hoại mùa màng, thậm chí ảnh hưởng cả đến sức khỏe người dân.

Nhiều năm qua, công tác bảo tồn ĐDSH đã được quan tâm đáng kể, nhất là ĐDSH trên cạn thông qua việc xây dựng các khu bảo tồn (rừng đặc dụng) với mục đích lưu mẫu chuẩn HST quốc gia, nguồn gien sinh vật... Hiện Việt Nam đã có một hệ thống rừng đặc dụng gồm 126 khu, với tổng diện tích hơn 2,5 triệu hécta, chiếm khoảng 7,6% diện tích lãnh thổ. Với việc thành lập hệ thống khu bảo tồn, hầu hết các HST đặc trưng (rừng ngập mặn, rừng tràm, các kiểu rừng á nhiệt đới núi thấp và trung bình, rừng thưa lá rụng...), các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu (tê giác, bò tót, voi, bò rừng, sao la, mang lớn...; thông lá dẹt, hoàng đàn, đinh, trai, nghiến, cẩm lai, sâm Ngọc Linh...) đã được bảo vệ. Tuy nhiên, việc tổ chức, quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên được thừa nhận là còn một số tồn tại. Rõ nhất là quy hoạch chưa đồng bộ, toàn diện thông qua việc chưa xây dựng được các hành lang hoặc vùng chuyển tiếp để nối các khu bảo tồn, tạo điều kiện qua lại giữa các quần thể thú, tránh hiện tượng giao phối cận huyết; còn thiếu những khu bảo tồn biển, đất ngập nước, khu bảo tồn liên quốc gia. Đáng lưu ý là trong số 126 khu rừng đặc dụng vẫn còn khoảng 50% khu chưa có ban quản lý chính thức. Nhiều khu rừng vẫn do hạt kiểm lâm cấp huyện quản lý...

Thực trạng trên cho thấy, vấn đề bảo tồn ĐDSH quyết liệt ngay trong thời điểm này là rất cấp bách trước khi nhiều hệ quả xấu sẽ xảy ra. Nhưng làm sao phát triển cân bằng, bảo đảm sự ĐDSH ở mức cho phép mà vẫn bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế là một câu hỏi khó, không dễ để tìm được câu trả lời, cả với các nhà quản lý và người dân.

Thế Dũng (Hà nội mới, 07/03/2007), www.nea.gov.vn