Được thành lập năm 1980, TAMAR là một liên minh chiến lược giữa chính phủ Brazil, các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng địa phương. Cam kết chung của họ là đẩy mạnh việc bảo vệ loài rùa biển tại Brazil và trên toàn thế giới. Mô hình gắn liền lợi ích kinh tế của cộng đồng địa phương với bảo tồn rùa của TAMAR đã mang lại thành công.

Khi các trạm nghiên cứu và bảo tồn đầu tiên được thành lập gần 3 thập kỷ trước, các nhà sáng lập TAMAR đã phải đối diện với những thử thách lớn để tìm giải pháp kinh tế phù hợp cho cư dân vùng biển có thu nhập thấp, vốn sống dựa vào việc thu nhặt trứng và bắt rùa trong hàng thập kỷ qua.

Các nhà nghiên cứu và tình nguyện viên của TAMAR đã làm việc trực tiếp với người dân để thu thập thông tin chi tiết về kinh tế địa phương và tìm kiếm các giải pháp thị trường cho việc bảo tồn rùa.

Đầu tiên, TAMAR trả lương cho những người trước đây chuyên bắt trộm rùa, để họ bảo vệ thay vì săn bắt. Sau đó, vợ con của họ và cả những gia đình khác cũng tham gia vào hoạt động này. Nỗ lực của TAMAR giờ đây đã giúp nhiều khu dân cư ven biển vùng Đông Bắc Brazil có việc làm đồng thời mang lại những lợi ích chung cho địa phương.

Các trung tâm du lịch của TAMAR có rất nhiều điểm thu hút du khách như bảo tàng, bể thủy sinh, các triển lãm giáo dục, các khu trình chiếu phim đa phương tiện, quán cà phê và quầy bar. Mạng lưới 13 cửa hàng TAMAR tại trung tâm du lịch, các sân bay và cả các khu thương mại suốt miền Đông Brazil chính là một phần thiết yếu khác trong việc duy trì hoạt động của TAMAR và các chương trình truyền thông cộng đồng.

Các cửa hàng của TAMAR chuyên bán các mặt hàng như áo thun, mũ, sản phẩm thủ công địa phương và một số đồ lưu niệm khác. Lợi tức từ việc buôn bán chiếm tới gần một phần ba ngân sách hàng năm của TAMAR. Các đồ lưu niệm đều lấy cảm hứng từ mục tiêu chính của TAMAR là nghiên cứu và bảo vệ rùa, do đó, ngoài việc sinh lợi cho quỹ, chuỗi cửa hàng này còn giữ vai trò giáo dục và tuyên truyền.

Việc sản xuất đồ lưu niệm của TAMAR tạo ra việc làm cho hàng trăm người và là một tác nhân khích thích đáng kể cho nền kinh tế địa phương. Ngành công nghiệp sản xuất áo thun ở nông thôn đầu tiên được sáng lập năm 1990 tại Regencia, Espirito Santo. Kể từ đó, cả chất lượng sản phẩm và doanh số bán ra đều được cải thiện, góp phần hình thành hoạt động tương tự tại Pirambu, Sergipe. 

Chuỗi sản xuất của TAMAR cung cấp nhiều việc làm cho cư dân địa phương đồng thời cũng đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá thường xuyên cho các trạm nghiên cứu bảo tồn rùa, các cửa hàng, và khu du lịch. Cộng đồng dân cư gần các trạm bảo tồn và những vùng ít tiềm năng du lịch đều được tham gia. Hiện tại đã có hơn 1200 việc làm được duy trì nhờ chuỗi sản xuất của TAMAR.

Du lịch sinh thái và hoạt động kinh doanh quà lưu niệm của địa phương không chỉ giúp tạo nguồn vốn cho nghiên cứu và bảo tồn loài rùa biển ở Brazil mà còn đáp ứng việc giáo dục về môi trường đang bị đe doạ và những mục tiêu xa hơn, đồng thời còn giúp phát triển nền kinh tế địa phương từng phụ thuộc vào việc khai thác bừa bãi nguồn lợi của loài rùa biển.

Hơn thế nữa, chuỗi sản xuất của TAMAR đã giúp nâng cao ý thức cộng đồng và niềm tự hào của các thành viên tham gia.

Bình Minh (Theo Conservation International, thiennhien.net)