Ngày 26/2/2014, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới do đồng chí Nguyễn Văn Thành - Uy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố làm trưởng đoàn đến làm việc với Viện nghiên cứu Hải sản về những nội dung liên quan tới phát triển kinh tế thủy sản. Cùng làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Bích - ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch HĐNDTP, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố. Tiếp và làm việc với  đoàn có các lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo cùng toàn thể cán bộ chủ chốt của Viện Nghiên cứu Hải sản.

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản đã báo cáo với đoàn các nội dung phục vụ khảo sát của Thành ủy Hải phòng về tổng kết 30 năm đổi mới. Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Về cơ bản, 30 năm qua, ngành thủy sản của Hải Phòng phát triển tương đối thuận lợi, có một số mô hình thành công và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, ngành thủy sản của Hải Phòng đang gặp những thách thức như nguồn lợi hải sản giảm mạnh, cường lực khai thác vượt mức cho phép, thiếu mô hình khai thác hiệu quả và bền vững; môi trường biển suy thoái nhanh và diễn biến phức tạp; chưa có biện pháp quyết liệt trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, công nghệ khai thác lạc hậu, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ. Các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, để quản lý khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải sản đảm bảo phát triển bền vững, TP Hải Phòng cần có những định hướng phát triển và điều chỉnh quy hoạch phù hợp. Theo đó, Thành phố cần có chương trình hành động cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; quyết liệt triển khai Đề án Quy hoạch không gian biển HP đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cho các ngành kinh tế cụ thể, gắn phát triển kinh tế theo phát triển không gian mới. Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản theo sức tải môi trường, trong đó chuyển đổi sang nhóm đối tượng có khả năng làm sạch và cân bằng môi trường (rong biển, nhuyễn thế), phát triển Bạch Long Vỹ thành trung tâm sản xuất bào ngư trọng điểm, xem xét phương án phát triển nuôi biển hở để giảm tải môi trường cho vùng vịnh kín; đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển các khu trung tâm công nghệ cao; đẩy mạnh cổ phần hóa các DN thủy sản Hải Phòng; gắn kết và tận dụng hiệu quả vai trò các cơ quan nghiên cứu, quản lý và sản xuất trung ương đặt tại Hải Phòng; gắn phát triển du lịch với thuỷ sản; nghiên cứu các mô hình quản lý nghề cá phù hợp với điều kiện Hải Phòng.
        Đồng chí Nguyễn Văn Thành ghi nhận trong 30 năm đổi mới và nhất là 10 năm trở lại đây, kinh tế thủy sản đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thành phố. Quá trình thực hiện có những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Song hành với sự phát triển của ngành kinh tế thủy sản, đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hải sản đã có sự trưởng thành, nhiều công trình khoa học gắn với thực tiễn, hướng vào sự phát triển bền vững đã đáp ứng tốt yêu cầu sự phát triển của ngành thủy sản. Thực tiễn cho thấy Hải Phòng có lợi thế nằm trong Vịnh Bắc Bộ là ngư trường lớn song hiện đang suy giảm nguồn tài nguyên, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khai thác hải sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, suy giảm môi trường… đã tác động đến chất lượng, hiệu quả và yếu tố bền vững của ngành thủy sản thành phố. Đồng chí Bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐNDTP đề nghị cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, Viện nghiên cứu Hải sản cần chủ động nghiên cứu và đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để ngành thủy sản Việt Nam nói chung và thủy sản Hải Phòng nói riêng phát triển nhanh, bền vững.