Mặc dù cả tám xúc tu của bạch tuộc đều có khả năng làm những nhiệm vụ giống nhau song lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện phần lớn loài này thuận một "cánh tay" nào đó.
Bạch tuộc không nguy hiểm đối với con người. |
Theo Ruth Byrne, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Vienna (Áo), hầu như không có bất kỳ sự chuyên biệt nào trong số tám xúc tu của bạch tuộc. Điều này khiến các chuyên gia cho rằng bạch tuộc sử dụng bất kỳ "cánh tay" nào thuận tiện nhất. Quả thực, một trong những chiến thuật săn mồi ưa thích của loài sinh vật này là di chuyển lên trên một khối đá và cuộn mọi xúc tu của chúng xuống phía dưới để tóm bất kỳ thứ gì chúng có thể tìm thấy.
Tuy nhiên, khi Byrne và các đồng nghiệp đặt những vật thể không quen thuộc vào bể chứa tám con bạch tuộc, hoặc đưa cho chúng một lỗ hổng hình chữ T để thăm dò. Kết quả: Mỗi cá thể đều thích dùng một trong tám xúc tu nào đó khi "điều tra". Ngoài ra, chúng có xu hướng kết hợp một, hai hoặc ba xúc tu khi cầm vật thể và sử dụng theo những trật tự cá biệt. Các nhà nghiên cứu chỉ quan sát thấy 49 kiểu phối hợp khác nhau.
Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình dương. |
Các xúc tu ưa thích thường nằm ở phía trước bạch tuộc. Trong khi đó, các xúc tu phía sau có xu hướng gánh đa phần sức nặng của sự vận động, làm cho chúng gần giống như chân vậy. Tuy nhiên, tại sao lại có sự thiên vị này nếu mọi xúc tu đều khoé léo và linh hoạt như nhau? Theo Byrne, câu trả lời có thể là phần lớn bạch tuộc có một... con mắt được ưa thích hơn. Con mắt đó sai khiến xúc tu ưa thích.
Quan sát bạch tuộc trong bể cho thấy chúng có xu hướng nhìn thế giới chỉ bằng một con mắt (!). 92% bạch tuộc thích sử dụng một trong hai con mắt hơn so với mắt còn lại. Byrne cho rằng sự ưa thích này được di chuyển tới xúc tu ở gần nhất so với mắt được ưa thích, dẫn tới việc bạch tuộc thuận một xúc tu nào đó. Tuy nhiên, không giống như ở người vốn đa số thuận tay phải, sự thuận xúc tu của bạch tuộc được chia đều 50-50.
Thế giới bạch tuộc | ||
Bạch tuộc được tìm thấy trên toàn thế giới, ở những vùng biển nhiệt đới và ôn đới ấm áp. Có nhiều phân loài bạch tuộc khác nhau. Bờ biển phía Tây Florida là nơi sinh sống phổ biến của bạch tuộc Common với chiều dài trung bình 70-90cm. Bạch tuộc lùn thường được tìm thấy trong các loại vỏ bị dạt lên các bãi biển Florida, có chiều dài tối đa 10cm. Một trong những loài bạch tuộc lớn nhất - bạch tuộc Bắc Thái Bình dương - có độ dài 4,5m và nặng hơn 45kg. Loài nhỏ nhất là bạch tuộc California với chiều dài 1-2,5cm. Mặc dù hầu hết bạch tuộc có kích cỡ nhỏ song bạch tuộc khổng lồ Thái Bình dương có thể dài tới 10m.
Bạch tuộc có thân thể mềm mại với một bộ não phát triển cao, tương tự bộ não người, với ký ức ngắn hạn và dài hạn như động vật có xương sống. Chúng rất "thông minh", có thể tự đào hang và chặn lối vào bằng những hòn đá sau khi đã ở bên trong an toàn. Vào ban ngày, bạch tuộc thường ở trong hang. Có thể nhận ra hang của chúng nhờ vào các mảng vỏ cua ở lối vào. Bạch tuộc chủ yếu săn mồi vào ban đêm hoặc vào những ngày tối trời. Do vậy, đây là thời gian tốt nhất để quan sát chúng. Bạch tuộc bắt con mồi bằng tám xúc tu dài. Trên mỗi xúc tu có hai hàng giác mút. Hàng trăm giác mút như vậy giúp chúng bám vào hầu hết mọi thứ. Bạch tuộc ăn các động vật như các loài giáp xác và động vật thân mềm. Chúng thường dụ dỗ con mồi bằng cách ngoe ngoảy đầu của một xúc tu sao cho trông giống như một con giun. Ngay khi bắt được mồi, bạch tuộc cắn nạn nhân, tiêm vào cơ thể chúng một loại nọc độc cùng với enzyme tiêu thoá. Sau đó, bạch tuộc hút thịt từ con mồi và vứt bỏ chiếc vỏ rỗng. Nếu một xúc tu bị đứt, nó sẽ mau chóng mọc ra một xúc tu khác ở cùng vị trí. Cùng với tám xúc tu và hàng trăm giác mút, bạch tuộc có một con mắt ở mỗi bên đầu. Mặc dù bạch tuộc có thị lực rất tinh song chúng hoàn toàn bị điếc. Bạch tuộc bắn một luồng mực đen vào những kẻ tấn công chúng. Chất đen này không làm đau đối phương song nó giúp bạch tuộc có thời gian để chạy thoát. Bạch tuộc cũng có thể nguỵ trang bằng cách thay đổi màu da để giống môi trường xung quanh. Chúng có thể chui qua những lỗ nhỏ nhất, di chuyển xung quanh trên các xúc tu và lùi lại rất nhanh bằng cách bắn một dòng nước qua cơ thể. Bạch tuộc có giới tính tách biệt (đực và cái). Bạch tuộc cái thụ tinh bên trong cơ thể và có thể đẻ tới 150.000 trứng trong vòng hai tuần. Nó không ăn cho tới khi trứng nở trong vòng 50 ngày. Chính vì điều này mà nhiều bạch tuộc mẹ bị chết đói. |