Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có cuôc hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình “Khai thác ghẹ bằng lồng bẫy”. Đến dự có đại diện các đơn vị liên quan trong ngành thủy sản và hơn 30 ngư dân làm nghề khai thác ghẹ đại diện cho các địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo: Nghề khai thác ghẹ bằng lồng bẫy tại xã Lộc An & thị trấn Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ đã có và khá phát triển gần chục năm nay. Ngư dân các địa phương du nhập nghề này từ những năm đầu của thế kỷ XXI và ngày một phát triển qua việc truyền kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau là chính. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và 2 địa phương Lộc An, Phước Hải nói riêng thực tế đã có nhiều mẫu lồng được ngư dân dùng để khai thác ghẹ nhưng lồng có khung cố định là được ngư dân chọn sử dụng. Do lồng chắc chắn nên tàu thuyền khai thác chủ yếu ở các vùng nước xa bờ, những vùng có dòng chảy mạnh. Khung lồng là hình trụ tròn, đường kính 2 đáy bằng 60cm, chiều cao lồng là 25cm, khung thép phi 8; lưới bao lồng vật liệu là sợi PE-380D/4x3. Mồi được treo giữa lồng, cua ghẹ chui vào lồng qua 3 cửa hom và được giữ lại trong đó.
Nhằm có được những số liệu tin cậy về cấu tạo và hiệu quả của loại ngư cụ này trong khai thác ghẹ, qua đó có cơ sở thực tiễn để khuyến cáo bà con ngư dân chuyển dần những nghề khai thác ít hiệu quả và sát hại nguồn lợi thủy sản gần bờ sang đối tượng này, năm 2010, Trung tâm khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng mô hình “Khai thác ghẹ bằng lồng bẫy tại tỉnh BR-VT”. Chủ mô hình là ông Nguyễn Văn Hính ngụ tại số nhà 6ô1/4 Kp: Phước An-Thị trấn Phước Hải. Tàu có số đăng ký:BV-0664-TS trang bị máy HINO công suất 340cv.
Thuận lợi của việc xây dựng mô hình là được sự đồng ý của Sở NN&PTNT và sự hợp tác cao của lãnh đạo UBND thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ và của chủ mô hình. Nhưng mô hình cũng gặp những khó khăn do nguồn kinh phí được điều chuyển từ việc không thực hiện của mô hình “Máy chuyển nước biển thành nước ngọt” sang nên gần cuối năm mới triển khai, vì vậy thời gian thực hiện ngắn, thử nghiệm lồng trong mùa gió chướng không thuận lợi cho việc khai thác.
Kết quả thực hiện: Bình quân mỗi chuyến biển hộ ông Hính khai thác khoảng 6 tấn ghẹ doanh thu khoảng 200 – 240 triệu đồng. Về tác động môi trường khi xây dựng mô hình: Mô hình bẫy ghẹ là nghề khai thác có chọn lọc, đối tượng khai thác chủ yếu là các đối tượng có giá trị kinh tế cao như ghẹ và ốc hương không làm tổn hại đến môi trường và nguồn lợi như một số ngành nghề khác.
Từ mô hình này , Trung tâm KNKN tỉnh đề xuất:
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chọn chủ mô hình có năng lực tốt về tài chính cũng như uy tín trong cộng đồng để mô hình có sự nhân rộng cao.
- Cần phối hợp tốt với các phương tiện truyền thông công cộng (báo, đài) để thông tin cho nhiều ngư dân.
- Cần phải nghiên cứu cải tiến thành loại lồng gập được nhưng phải đảm bảo độ bền cao, không biến dạng khi có dòng chảy mạnh (Lý do lớn nhất mà ngư dân không sử dụng loại lồng gập) để tiết kiệm thể tích trên tàu.
Thân Văn Minh