Khai thác hải sản bằng ghe giã cào khu vực ven bờ, vừa không đem lại hiệu quả kinh tế mà còn làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái của biển. Thời gian qua, ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động bà con ngư dân chuyển đổi nghề giã cào sang các nghề khác, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây có nhiều tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh hành nghề giã cào (lưới kéo) tham gia khai thác hải sản tại các tuyến ven bờ ở các địa phương như: xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền); thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và ở các khu vực Bãi Trước, Bãi Sau, Sao Mai TP. Vũng Tàu. Hoạt động của lực lượng tàu thuyền này đã vi phạm tuyến khai thác, xảy ra tình trạng tranh giành ngư trường, ảnh hưởng đến đời sống của những ngư dân sống bằng các nghề như: lưới cua, lưới cá.
Các phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ này chủ yếu dùng những phương pháp khai thác có tính hủy diệt như: Dùng nguồn điện cao áp từ 1.000 - 1.500 W cho đèn pha sáng dưới mặt nước để đánh bắt cá. Theo phân tích của các ngư dân, ánh sáng với công suất lớn như vậy sẽ làm cá chết hàng loạt. Hải sản chết nhiều nhưng chỉ thu vớt được khoảng 50%, số còn lại bị phân hủy, gây ô nhiễm vùng biển. Còn ghe giã cào thì theo ông Dương Vân Nga, ngư dân thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho biết, nghề giã cào đánh bắt các loài cá sống ở cả 3 tầng nước: tầng đáy, tầng giữa và tầng trên nên có thể “quét” sạch tất cả các loại hải sản khi quăng lưới. Vì vậy, đối với nghề giã cào, nếu không tuân thủ đúng qui định về mắt lưới thì sức hủy diệt nguồn lợi thủy sản rất cao.
Toàn tỉnh hiện có gần 1.900 chiếc tàu cá khai thác bằng nghề giã cào, chiếm gần 40% tổng số tàu cá. Do nghề giã cào khai thác không có tính chọn lọc, hoạt động không hiệu quả, nên ngành thủy sản đã khuyến khích bà con ngư dân chuyển đổi sang các nghề khác như: lưới vây, lưới rê, nghề câu… Tuy nhiên, đến nay rất ít ngư dân chuyển đổi nghề khai thác, nguyên nhân là do chi phí chuyển đổi ngành nghề khai thác cho một chiếc tàu khá tốn kém. Một ngư dân cho biết, để chuyển đổi sang nghề khác, buộc chủ tàu phải cải hoán phương tiện bằng cách thay đổi thân tàu, máy tàu, ngư lưới cụ, với chi phí khoảng từ 1 - 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, hơn 90% ngư dân vẫn còn nợ ngân hàng tiền đầu tư đóng tàu và mấy năm qua biển mất mùa nên ngư dân chưa có điều kiện trả nợ. Vì vậy, ngư dân muốn chuyển đổi ngành nghề cũng khó nếu như không được Nhà nước hỗ trợ.
Trước khó khăn đó, để hạn chế tình trạng xâm hại nguồn lợi ven bờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân nắm được các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý ngư trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, dựng panô ở các khu vực trọng điểm quy định rõ các tuyến khai thác, nghề cấm khai thác hoặc thả phao chỉ rõ ranh giới nghiêm cấm khai thác. Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để khắc phục tình trạng khai thác hải sản không theo quy định, ngoài các biện pháp như tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngành thủy sản sẽ tiếp tục khuyến khích ngư dân chuyển sang khai thác xa bờ, giảm dần và đi đến cấm hẳn các tàu cá có công suất nhỏ dưới 90 CV đánh bắt ven bờ.
Thanh Nga