Loài cá heo nước ngọt duy nhất tồn tại ở sông Dương Tử, Trung Quốc giờ đây "rất có thể đã tuyệt chủng", một nhóm khoa học kết luận sau khi không tìm thấy dấu vết nào của chúng trong cuộc khảo sát 6 tuần qua.

Nhóm nghiên cứu cho biết loài cá heo mỏ này bị tuyệt diệt chủ yếu do sự đánh bắt vô tội vạ của con người. Đây có thể là sự tuyệt chủng đầu tiên của một loài động vật có xương sống lớn trong vòng 50 năm qua. Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn quốc tế hiện xếp chúng vào nhóm "cực kỳ nguy cấp".

Sam Turvey, từ Hiệp hội động vật học London, đồng tác giả của nghiên cứu, mô tả phát hiện này là một "bi kịch gây sốc".

"Cá heo mỏ sông Dương Tử là loài thú khác thường đã tách khỏi cây gia đình hơn 20 triệu năm trước", Turvey giải thích. "Tình trạng tuyệt chủng này đại diện cho sự biến mất của cả một nhánh cây tiến hoá và nhấn mạnh rằng chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong vai trò người bảo vệ hành tinh", ông nói.

Cá heo mỏ sông Dương tử (tên khoa học là Lipotes vexillifer) là thành viên duy nhất còn lại của họ Lipotidae - một họ thú cổ được xem là tách khỏi các loài thú khác, trong đó bao gồm cá voi, cá heo mỏ và cá heo, khoảng 40 đến 20 triệu năm trước. Con vật có màu trắng, sống trong nước ngọt với cái mỏ dài, hẹp và vây lưng thấp, quần cư thành đàn từ 3 đến 4 con.


Cá heo mỏ sông Dương tử - Lipotes vexillifer (Ảnh: gb.cri.cn)

T. An


Theo BBC, Vnexpress, khoahoc