Sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trong tỉnh An Giang năm 2001 là 96.570 tấn, đến năm 2005 còn 51.329 tấn và đến năm 2010 chỉ được 37.209 tấn. Thực tế cho thấy, sản lượng khai thác không đồng đều, giá trị thấp, chủng loại đa dạng, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm và dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi cá, còn ưu thế xuất khẩu thì rất thấp.
Kéo lưới trên đồng mùa nước nổi
Nguyên nhân làm giảm “trữ lượng thủy sản” tự nhiên có thể thấy, dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày cũng gia tăng, các hoạt động khai thác thủy sản trái phép còn nhiều và khai thác thủy sản quá mức vượt khá năng tái tạo của nguồn thủy sản tự nhiên. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), năm 2007 có khoảng 81 ngư cụ được sử dụng ở các thủy vực trong tỉnh và được xếp thành các nhóm ngư cụ chính: Vợt – xúc, câu, bẫy, lưới rê – lưới giăng, lưới vây – lưới rùng, kéo, đẩy, vó, chụp, lưới túi và ngư cụ khác… Ngư dân tham gia vào các hoạt động khai thác thủy sản chủ yếu là bán chuyên nghiệp, là những người sản xuất nông nghiệp, thời gian khai thác thủy sản khoảng 6 tháng mùa lũ, vì trong thời gian này đồng ruộng bị ngập lũ không sản xuất được, có số lượng không nhiều, phần lớn họ là những hộ nghèo không đất sản xuất và trình độ học vấn còn hạn chế. Sản lượng thủy sản tự nhiên giảm còn do sản xuất vụ 3 phát triển mạnh, chiếm hơn 49% đất ruộng lúa, giảm vùng nước ngập lũ tự nhiên. Dư lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, nước thải sinh hoạt không được xử lý trước khi thải ra sông, kênh rạch làm ô nhiễm và giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Các hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên quá mức ở các nước thượng lưu sông Mekong cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Do đó, cần phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên để cân bằng và khai thác bền vững nguồn lợi vô giá này.
Các khu vực có tiềm năng bảo tồn như: Búng Bình Thiên (xã Quốc Thái) với gần 200 héc-ta, có điều kiện tự nhiên rất thuận tiện cho việc thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học của An Giang. Hiện tại, tỉnh chưa có một khu bảo tồn nguồn gien động vật thủy sản phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng, đây là một yêu cầu rất quan trọng và cấp thiết trong chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh An Giang nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung. Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo) với 870 héc-ta, rất thích hợp cho bảo tồn các đối tượng thủy sản chịu phèn, phục vụ du lịch sinh thái. Rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh) với 962 héc-ta, thích hợp cho bảo tồn các đối tượng chịu phèn. Đoạn sông Vàm Nao (7 km) đang thực hiện mô hình quản lý cộng đồng về khai thác thủy sản để bảo tồn các loài cá có kích thước lớn và giá trị cao như cá hô đỏ, bông lau…
Th.s Trần Anh Dũng cho biết, ngành Thủy sản An Giang đã xây dựng xong Đề án “Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020” đang lấy ý kiến và trình UBND tỉnh phê duyệt; với mục tiêu là sử dụng an toàn hệ sinh thái và môi trường nước mặt, chú ý đưa nước vào các vùng đê bao để phát triển các loài thủy sinh vật; khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong các thủy vực; đảm bảo khai thác thủy sản ổn định 40.000 – 60.000 tấn/năm và tăng giá trị thủy sản khai thác. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Th.s Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, các đối tượng khai thác chủ yếu trong tỉnh thuộc họ CYPRINIDAE (cá linh cám, linh ống, linh rìa, cá mè vinh, cá he, cá mè hôi, cá dảnh, cá rằm…), PANGASIDAE (cá tra, basa, cá hú, vồ đém, cá dứa, cá xác…), BAGRIDAE (cá chốt chuột, chốt sọc, chốt gạo, cá lăng…), COBITIDAE (cá heo, cá khoai), GOBIDAE (cá bống), SILURIDAE (cá kết, cá trèn bầu, cá leo). Theo kết quả nghiên cứu của ông Nguyễn Thanh Tùng (Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II), tại khu vực tỉnh An Giang (2005 - 2006) đã xác định được 134 loài thủy sản hiện diện, trong đó cá chiếm 130 loài và 4 loài tôm.
TRỌNG ÂN – THÀNH CHINH