Hệ sinh thái rạn san hô
Hệ sinh thái rạn san hô
Tổng diện tích rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam ước tính khoảng 13.426 ha (Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Văn Khương, 2013), trong đó các khu vực có diện tích rạn san hô lớn nhất bao gồm các đảo Phú Quý (1.858 ha), Lý Sơn (1.704 ha), Bạch Long Vĩ (1.578 ha), vịnh Vân Phong (1.618 ha) (Nguyễn Văn Long, 2015); và vùng ven bờ Ninh Hải - Ninh Thuận (2.330 ha) (Võ Sĩ Tuấn, 2014). Tại vùng biển quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết có diện tích rạn san hô khoảng 250 ha, Thuyền Chài khoảng 4.500 ha, đảo Ðá Nam khoảng 210 ha.
Có khoảng 444 loài san hô phân bố tại các đảo ở vùng biển Việt Nam, trong đó bộ san hô cứng có khoảng 378 loài và san hô mềm 66 loài (Đỗ Văn Khương và cs., 2016); cá rạn san hô ở biển Việt Nam có khoảng 1.206 loài (Nguyễn Nhật Thi, Nguyễn Văn Quân, 2005), trong đó 514 loài cá rạn san hô tại 10 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển (Đỗ Văn Khương và cs., 2008); có khoảng 6.377 loài động vật đáy ở biển Việt Nam, trong đó, 925 loài được công bố mô tả, 4.388 loài được công bố danh mục, 1.064 loài chưa được công bố và 667 loài chưa xác định được chính xác.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn
Tổng diện tích rừng ngập mặn của nước ta năm 2011-2012 khoảng 214.081 ha (Trịnh Văn Hạnh, 2014). Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2010), diện tích RNM Việt Nam suy giảm liên tục từ năm 1943 đến năm 2001, sau đó tăng thêm 51.791 ha rừng trồng đến năm 2008. Rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 173.904 ha, chiếm 81,23%; tiếp theo tại vùng đồng bằng sông Hồng: 37.919 ha, chiếm 17,71%; vùng Bắc Trung bộ: 2.199 ha, chiếm 1,03%; vùng Nam Trung bộ có diện tích thấp nhất với 59 ha, chiếm 0,03%.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi có mức độ đa dạng sinh học cao với tổng số 1.107 loài thuộc 327 họ đã được ghi nhận phân bố tại các vùng rừng ngập mặn điển hình gồm Đồng Rui, Hưng Hoà, Long Sơn, VQG mũi Cà Mau. Thực vật ngập mặn bậc cao có 225 loài (cây rừng ngập mặn có 221 loài), rong biển có 50 loài, sinh vật phù du có 293 loài, cá có 161 loài, giáp xác có 112 loài, động vật thân mềm có 146 loài, da gai có 5 loài, trứng cá - cá con có 111 loài và Ấu trùng tôm - tôm con đã phát hiện có 17 họ. Đã phát hiện được tổng số 83 loài thuỷ sản kinh tế chủ yếu, tập trung chính vào 3 nhóm loài gồm cá, giáp xác và động vật thân mềm. Trong đó, nhóm cá có 14 loài, nhóm giáp xác có 34 loài và nhóm động vật thân mềm có 35 loài (Nguyễn Quang Hùng, 2017).
Rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Hệ sinh thái thảm cỏ biển
Diện tích phân bố các thảm cỏ biển Việt Nam đến 2010 có trên 20.000 ha, trong đó dải ven bờ chiếm khoảng 50%. Những khu vực có diện tích lớn, tập trung hiện nay chỉ còn trong các đầm phá ven bờ miền Trung chiếm khoảng hơn 75% tổng diện tích các thảm cỏ ven bờ (Nguyễn Huy Yết và cs., 2010). Tốc độ suy thoái ở các khu vực bị các tác động từ biến đổi môi trường hay hoạt động phát triển kinh tế khác nhau thì khác nhau, nhưng tốc độ trung bình suy thoái 4-5%/năm/khu vực ven bờ, 57%/năm/ khu vực vùng triều, cửa sông và 35%/năm/khu vực đầm phá (Nguyễn Huy Yết và cs., 2010). Đến năm 2019, tổng diện tích phân bố thảm cỏ biển tại vùng biển ven bờ là khoảng 15.000 ha. Diện tích các thảm cỏ biển phân vùng Bắc bộ giảm nhiều nhất lên tới 62%, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ giảm ít nhất (13% và 2%) so với những năm 2010 (Nguyễn Văn Quân, 2020).
Hệ sinh thái thảm cỏ biển Việt Nam ghi nhận có khoảng 1.500 loài sinh vật, trong đó các thảm cỏ ven bờ chiếm hơn 1.000 loài. Đã phát hiện 323 loài động vật đáy, 219 loài rong biển, 214 loài cá biển, 178 loài và các đơn vị phân loại nguồn giống thủy sản (tôm, cua, cá), 60 loài động vật thân mềm chân bụng, 10 loài hải sâm, 5 loài cá ngựa, 8 loài tôm he, 4 loài cầu gai sống và 14 loài cỏ biển trong thảm cỏ biển. Kết quả điều tra chi tiết tại 15 thảm cỏ biển đại diện 5 khu vực ven bờ Việt Nam năm 2016 đã xác định tổng số 1.743 loài sinh vật sống kèm trong hệ sinh thái thảm cỏ biển, trong đó Bắc bộ có 404 loài, Bắc Trung bộ là 506 loài, Nam Trung bộ là 781 loài, Đông Nam bộ là 718 loài và Tây Nam bộ là 624 loài (Nguyễn Văn Quân, 2020).
Hệ sinh thái vùng triều và cửa sông, bãi bồi
Phần lớn các diện tích bãi triều, bãi bồi cửa sông đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ đã được quản lý sử dụng để nuôi ngao hoặc sò huyết và đối tượng hải sản kinh tế. Một số bãi bồi ven biển lớn tập trung ở Việt Nam như bãi bồi ven biển Cà Mau, có diện tích khoảng 24.000 ha mặt nước. Bãi bồi cồn nổi Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên 7.479,66 ha. Bãi bồi cồn nổi Nam Định với tổng diện tích tự nhiên 5.006 ha.
Hệ sinh thái bãi triều ven biển Việt Nam có khoảng 750 loài, trong đó, tảo (155 loài), thực vật bậc cao (86 loài), giáp xác nổi (116 loài), giáp xác đáy (71 loài), nhuyễn thể (91 loài), giun nhiều tơ, hải sâm (22 loài) và cá (208 loài). Thành phần sinh vật tại hệ sinh thái bãi bồi ven biển Việt Nam chủ yếu là các loài có nguồn gốc biển. Có 14 loài có trong Sách Đỏ Việt Nam, gồm 2 loài thực vật bậc cao có mạch và 12 loài cá. Có 67 loài có giá trị kinh tế, gồm 20 loài giáp xác, 8 loài nhuyễn thể và 39 loài cá (Ngô Xuân Nam, 2014).
Tại 7 hệ sinh thái cửa sông (cửa Văn Úc, cửa Ba Lạt, cửa Thuận An, cửa Đại, cửa Soài Rạp, cửa Cổ Chiên và cửa Định An) có khoảng 487 loài, trong đó có 150 loài giáp xác, 168 loài thân mềm, 53 loài động vật đáy, 112 taxon trứng cá, cá con (Nguyễn Xuân Huấn, 2016).
Hệ sinh thái đầm phá
Hệ sinh thái đầm phá tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung, trong đó diện tích Phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) khoảng 21.600 ha; diện tích đầm Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) là 1.600 ha, với chiều dài 6 km, sâu trung bình 1,2 m, nơi sâu nhất là 2 m; diện tích đầm Trường Giang (Quảng Nam) là 3.000 ha, có chiều dài 10 km, sâu trung bình 1,1 m, nới sâu nhất tới 2 m; đầm An Khê (Quảng Ngãi) là khoảng hơn 1.000 ha; đầm Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) là khoảng hơn 1.000 ha; đầm Trà Ổ (Bình Định) là 1.200 ha; đầm Đề Gi (Bình Định) là 1.580 ha; đầm Thị Nại (Bình Định) là 13.808 ha; Đầm Cù Mông (Phú Yên) là 2.655 ha; Đầm Ô Loan (Phú Yên) là 1.570 ha; đầm Thủy Triều (Nha Trang) là 3.400 ha; đầm Nại (Ninh Thuận) là 14.224 ha (Nguyễn Văn Vịnh, 2015).
Tại các đầm phá ven biển Việt Nam có khoảng 1.111 loài, trong đó có động vật nổi (82 loài), giáp xác (95 loài), thân mềm (107 loài), động vật đáy khác (35 loài, gồm giun nhiều tơ, giun ít tơ, da gai và sá sùng), cá (286 loài), thực vật nổi (418 loài), rong biển (38 loài) và thực vật bậc cao (50 loài) (Nguyễn Văn Quân, 2015).
Hoàng Đình Chiều