Tại buổi làm việc, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai đã báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về kết quả đạt được của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm, những tồn tại cần khắc phục và đề ra kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm. Trong đó nhấn mạnh các hoạt động liên quan đến thực hiện 9 khuyến nghị của EC nhằm khắc phục thẻ vàng, các hoạt động triển khai Luật Thủy sản 2017 cũng như vấn đề cấp hạn ngạch khai thác thủy sản.
Đại diện Vụ Pháp chế Thanh tra, Tổng cục Thủy sản khẳng định trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng cường công tác theo dõi việc thi hành Luật Thủy sản, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai. Thời gian tới sẽ ban hành các sổ tay hướng dẫn thực hiện văn bản pháp luật và các văn bản dưới luật, sổ tay xử phạt hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản, sổ tay về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (IUU Fishing). Đại diện Vụ pháp chế thanh tra cũng trình bày với Bộ trưởng khó khăn trong kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu thủy sản do đơn vị quản lý là cục Thú y nên Tổng cục Thủy sản khó nắm bắt.
Đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản báo cáo Bộ trưởng về tình hình giá cá tra thời gian qua sụt giảm do sản lượng cá tăng nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở một số thị trường như Mỹ, Hoa Kỳ lại sụt giảm. Tuy nhiên, dự báo mặt hàng này sẽ tăng trở lại vào tháng 8 và 9 năm nay, nhưng không cao như trước.
Sau khi nghe đại diện một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: ngành thủy sản hiện đang đứng trước một số thách thức như sau: 1/ Cạn kiệt nguồn tài nguyên, xung đột giữa các cấp ngành quản lý tài nguyên biển; 2/ Trang thiết bị, công nghệ và kỹ năng khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, 3/ Công nghệ chế biến thủy sản nhìn chung thấp hơn so với các ngành khác, 4/ Nuôi xa chưa trở thành thực tế dù đây là chiến lược phát triển của ngành, 5/ Tái cơ cấu ngành nghề còn bất cập, bí nhân lực, công tác quản lý điều hành còn nhiều bất cập…
Đối với vấn đề thực hiện 9 khuyến nghị của EC, Bộ trưởng nhấn mạnh, các giải pháp đưa ra cần phải có tính khả thi cao, phải tập trung làm thí điểm từng giải pháp tại từng tỉnh, chọn một vài tỉnh làm các giải pháp tổng thể, từng bước hiện thực hóa chủ trương phát triển nghề cá trách nhiệm, bền vững trong từng khâu sản xuất.
Cần chú trọng nghiên cứu và thực hiện mạnh mẽ về nuôi biển. Ngoài hai đối tượng chủ lực là tôm, cá tra, nuôi trồng thủy sản cần mở rộng đối tượng chủ lực mới như nuôi lươn theo đơn đặt hàng của Nhật Bản.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập vấn đề xây dựng các chương trình truyền thông về các hoạt động của ngành thủy sản, để các chủ trương, hoạt động của ngành phủ rộng trên các mặt báo, đến gần với đời sống hơn.
Thu Hiền