Rạm là đối tượng có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu nuôi thương phẩm đối tượng này ở Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới cũng như cũng như những kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam trong nuôi thương phẩm rạm là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với thực tiễn sản xuất và quy hoạch của tỉnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất, đề tài đã giải quyết được các vấn đề:

  1. Nghiên cứu lựa chọn mật độ nuôi phù hợp cho nuôi thương phẩm rạm từ giai đoạn giống lên giai đoạn thương phẩm;
  2. Xây dựng mô hình và quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm rạm đạt tỉ lệ sống 70%, năng suất 2,5 tấn/ha/năm phù hợp với điều kiện tự nhiên huyện Kim Sơn, Ninh Bình;
  3. Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình nuôi; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm cho địa phương.

Năm 2016, kết quả sau 4 tháng nuôi quy mô sản xuất tại 03 hộ gia đình tham gia mô hình (1.000 m2/ao), rạm thương phẩm thu được đạt kích cỡ từ 40 - 60 con/kg, tỷ lệ sống đạt 73,5%, hệ số sử dụng thức ăn 3,5. Năng suất đạt trên 2,5 tấn/ha/năm.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, các số liệu có độ tin cậy, phương pháp phân tích đánh giá phù hợp với nội dung nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp thêm luận cứ để triển khai nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm rạm ở địa phương thay thế các đối tượng nuôi kém hiệu quả. Hội đồng đã bỏ phiếu và nhất trí nghiệm thu với tổng số phiếu đạt 7/7.

Trần Thị Ngà