Không khí buồn thảm bao phủ gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng), ấp Tân Mỹ, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ những ngày này, do trên 100 tấn cá tra vào mùa thu hoạch đã chết sạch hầm. Thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng thu hoạch cá, gia đình còn phải mướn nhân công chôn vôi xử lý cá hàng chục triệu đồng.
Vào ngày 26/6, gia đình ông đã sử dụng thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật) thuộc danh mục cấm để trị bệnh cho cá. Do xử lý hố chôn cá không đạt hiệu quả nên nguồn không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lan rộng cả một vùng.
Thời gian này, hàng trăm hộ dân đang chờ mùa thu hoạch cá tra mới(Ảnh: T. Hương) |
Diệt khuẩn cho cá bằng... thuốc độc
Loại “thuốc độc” mà ông Ba Tùng đổ xuống ao cá là thuốc trừ sâu Dipterex. Nhiều năm trước đây, khi chưa có quyết định cấm, bà con nuôi cá ở Miền Tây mặc sức dùng vì thuốc có khả năng diệt khuẩn tốt, có thể diệt những loài giác xác, vi khuẩn sống ký sinh không tốt cho cá nhưng cá vẫn sống vì sức sống của loại cá da trơn này khá cao. Thế nhưng giờ đây, khi loại thuốc này đã bị cấm mà ông Ba Tùng vẫn dùng và còn lại dùng gấp 10 liều lượng khuyến cáo.
Đồng cá tra ở Huyện Thốt Nốt - TP. Cần Thơ (Ảnh: Thu Hương) |
Đây không phải lần đầu tiên, ông Ba Tùng chữa bệnh cho cá bằng thuốc cấm. Suốt thời gian nuôi cá tra, ông Ba Tùng đã sử dụng theo “liều lượng”: Hầm cá rộng 4.000m2, 10 ngày rải 1 lần thuốc, khoảng 6 – 7 chai thuốc để cá khoẻ mạnh, ăn nhiều. Ông Tùng là một người nhiệt tình trong Ban chấp hành Hiệp hội Nghề cá TP. Cần Thơ, được đánh giá thành công trong nuôi trồng thuỷ sản.
Lần này, do sắp thu hoạch, nhưng cá bị bọ đeo mang gây ngứa, khi ăn thường bị rộ, gom cục, nên thuốc sâu được đổ “hơi mạnh tay” – gấp 10 lần thông thường. Cá chết sạch hầm chỉ sau 1 đêm.
“Thông thường rải thuốc lúc 8 giờ sáng, tới 1- 2 giờ trưa cá ăn mạnh. Lần này tận 8 rưỡi tối cá vẫn gom cục, không ăn mạnh như thông thường. 11 giờ rưỡi khuya đi kiểm tra lại thì thấy cá chết lẻ tẻ. Tới sáng hôm sau đã chết sạch hầm” – Ông Ba Tùng kể.
Cá chết, chuyện đến tai chính quyền địa phương. Chính quyền chỉ còn cách yêu cầu ông Ba Tùng vớt xác cá đem chôn, xử lý vệ sinh không ảnh hưởng tới những ao cá lân cận. Tuy nhiên, cách giải quyết này quá chậm trễ, vì chỉ trong mấy ngày nước trong ao cá gia đình ông đã chuyển màu đen, xác cá chết vẫn còn nổi trên mặt nước, bốc mùi nồng nặc quanh khu vực.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường trên diện rộng. Bãi chôn cá nằm khá sát đê ao nuôi, giáp mặt tiền sông Hậu tiếp tục gây ô nhiễm sau khi xử lý. Do lượng cá quá lớn (hơn 100 tấn), nên bao nilon chưa phủ kín, đất đắp lên chưa hết, xác cá chết trong quá trình phân huỷ bị nhiều dòi, bọ bu kín.
Nguy hại khó lường
Chốt lại vấn đề vẫn chỉ là “Rút kinh nghiệm”. Ông Ba Tùng và nhiều nông dân ở Thốt Nốt có một bài học “cảnh tỉnh trong việc dùng thuốc cấm để chăm sóc cá”. Một bài học với “học phí” đắt đỏ lên tới hàng tỉ đồng! Không chỉ hộ ông Ba Tùng phải gánh chịu mà cả môi trường cũng bị vạ lây... .
Hơn 1 tuần từ ngày cá chết, bốc mùi ô nhiễm môi trường rất nặng; cá được chôn thành bãi rộng sát mặt tiền Sông Hậu, nước ao cá đen ngòm tràn rộng, nhưng chưa một cơ quan chức năng nào có ý kiến hay khuyến cáo điều gì.
Trả lời phóng viên VNN, ngày 5/7/2007, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề cá, TP.Cần Thơ, ông Dương Tấn Lộc (nguyên PGĐ Sở Nông Nghiệp tỉnh Cần Thơ (cũ) cho biết: Cá tra là nguồn thu nhập chính của bà con Huyện Thốt Nốt và nhiều địa phương Miền Tây nói chung.
Theo ông Lộc, thuốc Dipterex bị cấm từ 2 năm nay vì ảnh hưởng đến chất lượng cá, nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Chắc chắn những thông tin như vụ việc Ba Tùng sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín chất lượng cá tra Thốt Nốt nói riêng, Miền Tây nói chung. Người tiêu dùng ắt hẳn khó an tâm khi biết loại cá da trơn xuất khẩu ngoài nước, tiêu dùng trong nước phần lớn vẫn nuôi theo phương pháp chăm sóc nguy hại đến vậy.
Hiệp hội đã nhắc nhở rất nhiều lần về việc không dùng loại thuốc cấm này. Tuy vậy, khó xoá được thói quen của bà con mình, và cấm thì cấm nhưng không ai sát sao việc quản lý và xử lý nghiêm. Nông dân mình chỉ thấy thực tế: chưa ai ăn cá có lượng thuốc này mà chết, con cá sống có thuốc lại khoẻ mạnh hơn, ăn nhiều hơn do không bị giáp xác quấy nhiễu, thu hoạch có lợi hơn. Thuốc Dipterex vẫn được bà con nông dân dễ dàng mua ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật.
"Xử lý" cá tra nhiễm độc bằng cách đem đổ, chôn vôi (Ảnh Vũ Hoàng) |
Một chủ cửa hàng bán tạp hóa, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật (xin phép giấu tên), cho biết, thuốc Dipterex bán khá phổ biến ở nông thôn, không chỉ riêng ở Cần Thơ. Dù đây là thuốc cấm, nhưng nếu dùng ít, dung lượng đủ thì không có tác hại nên bà con vẫn ưa dùng diệt khuẩn... cho cá. (?)
Hàng năm, Hiệp hội Nghề cá có mở nhiều buổi nói chuyện, phát tài liệu miễn phí cho bà con mở rộng kiến thức. Số người đi chỉ chiếm phần nhỏ. Hiệp hội có muốn phổ biến hết cho nông dân cũng chịu, vì không thể đến từng nhà.
Trong khi đó, số người hiểu biết kiến thức nuôi cá an toàn lại không nhiều. Hầu hết kiến thức là từ kinh nghiệm và truyền miệng nên rất dễ dẫn tới sai phạm – chủ tịch Hiệp hội nghề cá, ông Bùi Hữu Trí (Nguyên Phó chủ tịch Tỉnh Cần Thơ (cũ) bức xúc.
Những vấn đề như vụ việc chết 100 tấn cá, cần có sự giám sát từ quản lý, xử lý, xử phạt mới có thể thực hiện tốt – không chỉ tốt cho nông dân, cho người tiêu dùng, thương hiệu cá tra... cần những giải pháp cụ thể từ các cơ quan chức năng, từ chính quyền mới có thể thay đổi những thói quen thành nếp không tốt bấy lâu của nông dân – Ông Lộc khẳng định...
- Thu Hương
Theo VietNamNet